Cuối năm 2020, cô La sống tại thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bị lừa hàng triệu NDT khi đầu tư qua mạng. Sang đầu năm 2021, cô lại tiếp tục bị lừa bởi hình thức tương tự. Điều khó tin là trước đó cô đã từng bị lừa hai lần.
Cô La làm nhân viên kiểm kê kiêm đóng hàng tại thành phố Chu Sơn. Gia cảnh của cô vốn đã khá giả, công việc cũng mang lại thu nhập ổn định. Cô La muốn có thêm thu nhập ngoài công việc, tốt nhất là kiếm tiền mà không cần tốn quá nhiều công sức. Do đó, đầu tư tài chính qua mạng đã thỏa mãn được suy nghĩ này của cô.
Trong thời đại công nghệ, chỉ cần bạn nhắc đến “đầu tư tài chính qua mạng” khi trò chuyện với bạn bè, các nền tảng mạng xã hội hay video ngắn đều có thể “nhắm đúng mục tiêu” để gửi quảng cáo. Chính trong một lần như vậy, vào cuối năm 2020, cô La đã vô tình xem được một video ngắn của “thầy Lý”.
Video của thầy Lý không có nhiều lượt thích, nhưng lại có số lượt lưu rất cao. Điều này cho thấy có không ít người đang âm thầm theo dõi và học hỏi từ ông ta. Nội dung video chủ yếu nói về một nền tảng đầu tư mà thầy Lý giới thiệu rất thần kỳ và tuyên bố rằng bản thân đã kiếm được không ít tiền từ đó.
Để tăng độ tin cậy, thầy Lý còn trực tiếp khoe số dư tài khoản của mình trong video. Ông ta nói rằng khi mới đầu tư vào nền tảng này, bạn bè ông không tin, nhưng đến lúc họ đầu tư thì đã qua giai đoạn hái ra tiền. Tuy nhiên, ông “dự cảm” nền tảng này sắp có một đợt bùng nổ nữa, khuyên tất cả người xem đừng bỏ lỡ cơ hội.
Nếu một nền tảng chỉ toàn lãi mà không có rủi ro, ai cũng sẽ nghi ngờ. Thầy Lý hiểu rõ điều này, nên ông còn kể một câu chuyện về người bạn không nghe lời ông, tự ý đầu tư và mất trắng. Nói cho cùng, mục đích của ông ta là thu hút người xem tin tưởng và bước vào nền tảng đầu tư này.
Cô La tự cho mình là người thông minh, nghĩ rằng dù là lừa đảo cũng không lừa được cô. Vì vậy, cô đã kết bạn và trò chuyện với thầy Lý một thời gian, thử đầu tư vài nghìn tệ. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã lời vài trăm tệ.
Những năm gần đây, Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền chống lừa đảo, cô La cũng nắm được vài kiến thức cơ bản. Cô nghĩ: “Nếu không thể rút tiền thì chắc chắn là lừa đảo”. Vì vậy, cô rút cả gốc lẫn lãi ngay lập tức, quá trình rút tiền vô cùng suôn sẻ, không có bất kỳ giao diện nào dụ cô nạp thêm tiền. Sau đó cô tiếp tục đầu tư thêm vài lần nữa, cũng đều có lãi dưới sự hướng dẫn của thầy Lý, khiến cô hoàn toàn tin tưởng vào nền tảng này.
Lòng tham càng lúc càng lớn. Trong lúc bị dụ dỗ, cô La đầu tư một mạch 500.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ đồng). Ngay khi đang mơ mộng đạt được “tự do tài chính” nhờ nền tảng này, thì bất ngờ nền tảng bị thông báo có nguy cơ vi phạm và bị điều tra, toàn bộ tiền của cô bốc hơi. Trớ trêu thay, thầy Lý lại nói từ đầu đã từng “cảnh báo” rằng nền tảng này có rủi ro và có thể bị đóng nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra, ông ta còn “giả bộ” khuyên mọi người nên “thu lời đúng lúc”.
Mất tiền, cô La biết mình đã bị lừa. Đến tháng 1/2021, không ngờ thầy Lý lại chủ động liên lạc với cô. Lần này, ông ta giới thiệu một nền tảng khác đang có “chương trình đền bù đặc biệt”, nhưng chương trình chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Cô La lại bị dụ.
Dưới sự “cố vấn” của thầy Lý, cô đầu tư một lần hơn 500.000 NDT (1,8 tỷ đồng) và nhanh chóng thu được lợi nhuận lớn. Cô vội vàng rút tiền, thấy tiền thật rơi vào túi, niềm tin với nền tảng và thầy Lý lại càng cao, tiếp tục đầu tư và liên tục thắng.
Cứ như thế, cô La ngày nào cũng có lời. Rồi đến lúc thầy Lý “thu lưới”, ông ta nói nền tảng vừa tung ra một chương trình bí mật chỉ dành cho “tay chơi cao cấp”, chỉ cần nạp 1 triệu NDT (khoảng 3,6 tỷ đồng) thì sẽ thu hồi được toàn bộ khoản thua trước đây. Cô La không chần chừ bắt đầu gom tiền.
Không đủ 1 triệu NDT, thầy Lý còn “hào phóng” ứng trước cho cô mấy trăm nghìn tệ. Trong lúc cô đang mơ về chuyện đổi đời, thì chỉ sau một đêm, tài khoản của cô chỉ còn lại hơn 9.000 tệ.
Lúc này, cô La mới lập tức đến đồn công an trình báo. “Thầy Lý” và nền tảng đầu tư kia thực chất là sản phẩm của một đường dây lừa đảo, toàn bộ website do chúng điều khiển, thắng hay thua đều nằm trong kịch bản. Những ai sa vào chiếc bẫy này không thể rút ra được toàn vẹn. Qua điều tra, cảnh sát còn phát hiện trước đó cô La từng bị lừa hai lần qua các nền tảng tài chính P2P.
Cảnh sát cho biết nếu số tiền đã bị bọn lừa đảo tiêu sạch, hoặc chúng không còn tài sản để bồi thường, thì nạn nhân rất khó thu hồi được toàn bộ thiệt hại. Một khi đã sa vào bẫy, có thể sẽ phải chịu tổn thất cực lớn. Vì vậy, đừng bao giờ tin vào những lời hứa hẹn “lãi gấp mười, lời gấp trăm”.