Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm rời cương vị CEO Sacombank (STB) sau 8 năm điều hành
Ngày 20/5, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc (CEO) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE: STB), đã gửi thư chia tay tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng, chính thức khép lại hành trình 8 năm giữ vai trò “người cầm lái” trong giai đoạn tái cơ cấu đầy thách thức và biến động của nhà băng này.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, là Tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng. Bà được bổ nhiệm làm CEO Sacombank từ tháng 7/2017, thời điểm ngân hàng gặp nhiều thách thức sau sáp nhập Southern Bank. Trong giai đoạn này, Sacombank tập trung xử lý nợ xấu, củng cố hệ thống và từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh.
Năm 2022, bà tiếp tục được tái bổ nhiệm và hiện vẫn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị.
Xem thêm tại đây
42 phòng giao dịch của VietinBank, Sacombank, SCB bị "xóa sổ", chuyện gì đã xảy ra?
Theo đó, VietinBank mới đây đã thông báo chấm dứt hoạt động 7 phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Huế, Đồng Nai… ngay trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Trước đó cuối tháng 3, ngân hàng cũng có thông báo chấm dứt hoạt động 25 phòng giao dịch tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP.HCM, Phú Thọ.

Tương tự, sau khi chấm dứt hoạt động 2 phòng giao dịch tại Hà Nội hồi tháng 4, mới đây, Sacombank tiếp tục đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP.HCM.
Theo thông báo phát đi mới đây của ngân hàng SCB, sẽ có 3 phòng giao dịch tại TP.HCM của nhà băng này đóng cửa từ 17/5. Trong đó gồm: Phòng giao dịch Nguyễn Chí Thanh - Chi nhánh Tân Phú; Phòng giao dịch Hậu Giang - Chi nhánh Chợ Lớn; Phòng giao dịch Phan Xích Long - Chi nhánh Phú Đông.
SCB đã bắt đầu đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch, chi nhánh kể từ tháng 6/2023. Có thời điểm, ngân hàng thông báo dừng hoạt động tới 15-16 phòng giao dịch chỉ trong một tháng. Từ đó đến tháng 2/2025, nhà băng này đã đóng cửa tổng cộng 145 phòng giao dịch, chi nhánh.
Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ
Kể từ ngày 19/5/2025, các ngân hàng tham gia Phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ được phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 49% từ mức 30% hiện tại đang áp dụng cho các ngân hàng nói chung. Nghị định mới của NHNN chỉ áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Do đó, trong số bốn ngân hàng tham gia, bao gồm HDBank (HDB), MBBank (MBB), Vietcombank (VCB) và VPBank (VPB), giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) mới sẽ không áp dụng cho VCB - một ngân hàng quốc doanh.

VIS Rating cho biết, tổ chức này kỳ vọng FOL cao hơn sẽ tăng khả năng huy động vốn mới cho các ngân hàng trên từ đó hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ. Theo phương án tái cơ cấu, các ngân hàng tham gia sẽ nhận được một số quyền lợi và miễn trừ từ NHNN, bao gồm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, được hỗ trợ về thanh khoản…
Xem thêm tại đây
Dân cư ùn ùn gửi tiền vào hệ thống ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng.
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 2/2025 đạt hơn 18,157 triệu tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2024.

Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống TCTD đạt hơn 14,7 triệu tỷ đồng, tăng thêm 106.520 tỷ đồng so với cuối tháng 1. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2024 thì tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã giảm gần 3.900 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố mùa vụ của nhóm khách hàng tổ chức.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 2/2025 đạt hơn 7,36 triệu tỷ đồng, giảm hơn 305 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm (tương đương giảm 3,98%), trong đó tháng 1 giảm 233 nghìn tỷ và tháng 2 giảm hơn 71,6 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước muốn sửa đổi Thông tư về hoạt động tái cấp vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2022/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam.
Theo đó, các quy định về điều kiện vay, tỷ lệ tái cấp vốn và quy trình xét duyệt tiếp tục kế thừa Thông tư 15/2022 nhưng theo hướng thống nhất, chặt chẽ hơn. Với quy định rõ ràng hơn và phù hợp với cấu trúc mới của NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tái cấp vốn phục vụ xử lý nợ xấu. Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng diễn ra an toàn, minh bạch và lành mạnh hơn.