Telegram nói gì khi bị cấm hoạt động tại Việt Nam?

Thúy Hạnh | 12:01 24/05/2025

Phía Telegram cho biết đã phản hồi các yêu cầu pháp lý từ Chính phủ Việt Nam đúng thời hạn.

Telegram nói gì khi bị cấm hoạt động tại Việt Nam?

"Telegram bất ngờ trước những tuyên bố này," người phát ngôn của Telegram nói. 

Vị này cũng tiết lộ Telegram đã phản hồi các yêu cầu pháp lý từ Chính phủ Việt Nam đúng thời hạn. Sáng 24/5, ứng dụng nhận được thông báo chính thức từ Cục Thông tin Truyền thông liên quan đến thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định viễn thông mới. Thời hạn phản hồi là ngày 27/5 và Telegram đang xử lý yêu cầu này.

Theo thông từ Reutes, phản hồi trên được đưa ra sau khi Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chặn Telegram vì không hợp tác trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được cho là diễn ra trên nền tảng này.

Cụ thể, theo văn bản số 2312/CVT-CS do Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) ký ngày 21/5/2025, các nhà mạng được yêu cầu triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động của dịch vụ Telegram tại Việt Nam và gửi báo cáo kết quả về Cục trước ngày 2/6. 

Cục Viễn thông dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết hiện có khoảng 9.600 kênh, nhóm Telegram hoạt động tại Việt Nam, trong đó 68% bị cho là có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật như: phát tán tài liệu, nội dung xấu độc; tổ chức đánh bạc; mua bán ma túy, vũ khí; thu thập và rao bán thông tin cá nhân; cùng các "trường hợp nghi có liên quan đến khủng bố". Nhiều nhóm với hàng chục nghìn thành viên được xác định là do các đối tượng chống đối, phản động lập ra để lan truyền tài liệu chống phá Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật lợi dụng hạ tầng mạng viễn thông. Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2025, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet buộc phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Telegram bị xác định là chưa thực hiện nghĩa vụ này.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Luật Viễn thông, việc cung cấp dịch vụ viễn thông không được phép tiến hành nếu không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý. Đồng thời, khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong nước trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn các dịch vụ không tuân thủ quy định hiện hành.

Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam. Các đơn vị liên quan phải hoàn tất việc triển khai và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Cục trước ngày 2/6/2025.

Tính đến ngày 24/5, ứng dụng Telegram vẫn còn khả dụng tại Việt Nam.


(0) Bình luận
Telegram nói gì khi bị cấm hoạt động tại Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO