Các doanh nghiệp bất động sản vay nợ nhiều, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao

Quỳnh Anh | 16:24 15/11/2022

Nếu tính riêng các doanh nghiệp niêm yết, tính đến cuối quý III/2022 các doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Có doanh nghiệp phải chi ra tới nghìn tỷ đồng chỉ để trả lãi vay.

Các doanh nghiệp bất động sản vay nợ nhiều, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao
10 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất sàn chứng khoán.

Lãi suất có xu hướng tăng cao khiến các khoản vay dần trở thành gánh nặng của các doanh nghiệp.

Thông thường các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì nhu cầu vốn càng cao. 

Tổng các khoản vay của 10 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất sàn chứng khoán đã tăng 34% trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, các khoản nợ ngắn hạn cuối quý III bằng 2,5 lần đầu năm, trong khi nợ dài hạn chỉ tăng 2%. 

Đáng chú ý là 10 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất sàn chứng khoán đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và là các doanh nghiệp có nhiều dự án nổi bật trên khắp cả nước. 

Ngoài ra, xếp hạng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp không hoàn toàn tương đồng với với xếp hạng tổng dư nợ do cơ cấu nợ vay và lãi suất từng khoản vay của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng thanh toán lãi vay - là một trong những nhân tố bào mòn lợi nhuận các doanh nghiệp trong giai đoạn này. 

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Văn phòng Chính phủ tổ chức vừa qua nhiều chuyên gia nhận định: Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản nhìn chung đang rất khó khăn.

Cụ thể, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Rồi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng..., dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định: Hiện nay thị trường bất động sản đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, nhưng phải đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu của từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực của thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án, bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (có khi đến 40% giá hợp đồng).

"Điều đó tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn “rủi ro” vì là sản phẩm hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thâu tóm”, có thể làm mất đi “lợi thế” của các doanh nghiệp trong nước", ông Lê Hoàng Châu lưu ý. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các doanh nghiệp bất động sản vay nợ nhiều, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO