Bước tiến mới trong quản lý Nhà nước về giá

PV | 15:26 10/02/2024

“Luật giá 2023 đã giao quyền chủ động cho các bộ chuyên ngành trong định giá các các mặt hàng cho bộ chuyên ngành quản lý, đảm bảo phân cấp, phân quyền, tránh bị động trong điều hành giá như vừa qua. Đây là bước tiến lớn trong quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận định.

Bước tiến mới trong quản lý Nhà nước về giá
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Đặt ra yêu cầu cao hơn với các doanh nghiệp thẩm định giá

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) còn lưu ý, Luật giá 2023 có hiệu lực sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn với các doanh nghiệp thẩm định giá. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bảo đảm các điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định, để tránh bị tước giấy phép.

“Trong bối cảnh lĩnh vực thẩm định giá liên tục có những thay đổi, nhất là hệ thống pháp luật đang được sửa đổi và hoàn thiện nên các doanh nghiệp và các thẩm định viên cần chủ động cập nhật thường xuyên văn bản pháp luật và kiến thức chuyên môn. Đồng thời, các thẩm định viên cần tham gia đầy đủ, nghiêm túc các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do các đơn vị được phép cập nhật kiến thức về thẩm định giá năm 2023 tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cũng như đảm bảo đủ điều kiện đăng ký hành nghề cho năm hành nghề tiếp theo…”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

"Rà soát, đánh giá các thẩm định viên về giá đang hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá để trên cơ sở đó có kế hoạch tăng cường đào tạo và tổ chức thi cấp thẻ thẩm định viên về giá để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy định tại Luật Giá. Bộ Tài chính, các doanh nghiệp thẩm định giá, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá và các thẩm định viên về giá tổ chức triển khai thực hiện. Hoàn thành trước ngày 01/7/2025".

Quyết định 1250/QĐ-TTg về triển khai việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá 2023.

Lưu ý thêm với cộng đồng doanh nghiệp thẩm định giá, Chủ tịch VVA nói: Sau thời hạn 12 tháng khi Luật Giá năm 2023 (từ ngày 1/7/2024) có hiệu lực, doanh nghiệp thẩm định giá không tuân thủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định, sẽ bị Bộ Tài chính thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Do đó các doanh nghiệp cần chủ động, tăng cường cung cấp dịch vụ thẩm định giá đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng thẩm định giá và quy định của pháp luật.

Thay đổi về nguyên tắc và phương pháp định giá

Nói về những thay đổi quan trọng của Luật Giá 2023 liên quan đến thẩm định giá, Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thoả cho biết, các doanh nghiệp thẩm định giá cần lưu ý những nguyên tắc định giá và phương pháp định giá sẽ có những thay đổi.

Nếu như, Điều 21, Luật Giá 2012 căn cứ định giá gồm: Giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến; Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá thì khoản 1 Điều 22 Luật Giá 2023 căn cứ định giá yêu cầu bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giávà chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng. Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.

Căn cứ định giá được tại khoản 2 Điều 22 Luật Giá 2023 sẽ căn cứ vào 3 yếu tố hình thành giá. Thứ nhất, căn cứ vào yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ. Thứ hai, quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng. Thứ ba, giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.

Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa lưu ý thêm, phương pháp định giá của Nhà nước cũng được quy định, căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Giá 2023 sẽ quy định mới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nội dung cụ thể cần hướng dẫn gửi Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây: Hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này; Hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng. Quy định này đã giao quyền chủ động cho các bộ chuyên ngành trong định giá các các mặt hàng cho bộ chuyên ngành quản lý, đảm bảo phân cấp, phân quyền, tránh bị động trong điều hành giá như vừa qua. Đây là bước tiến lớn trong quản lý nhà nước.

Kiến tạo nên hệ thống Chuẩn mực thẩm định giá toàn diện

Ngày 19/1, tại Lạng Sơn, Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam” của Bộ Tài chính với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam cùng đông đảo các doanh nghiệp hội viên VVA.

Tại Hội thảo, Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa đánh giá cao sự cầu thị của Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá, Phòng Quản lý Thẩm định giá trong công tác xây dựng hệ thống các Chuẩn mực thẩm định giá mới toàn diện cả về quy mô và chiều sâu. Những ý với các dự thảo Thông tư mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sẽ là tiền đề quan trọng để kiến tạo nên hệ thống Chuẩn mực thẩm định giá toàn diện giúp cho ngành thẩm định giá phát triển bền vững, lành mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

anh-hoi-thao.jpg
Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam” của Bộ Tài chính tại Lạng Sơn ngày 19/1/2024.

Ông Đinh Quang Vũ, Ủy viên Ban chấp hành VVA góp ý, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là chuẩn mực để những người hành nghề thẩm định giá thực hiện thống nhất, nhưng đồng thời cũng là chuẩn mực bảo vệ được những người hành nghề thẩm định giá. Do vậy, hết sức tránh những chuẩn mực quá chi tiết, quá phức tạp về thủ tục mà trên thực tế khó thực hiện, tính khả thi thấp và dễ bị bắt bẻ khi có vấn đề pháp lý phát sinh như đã xẩy ra khi thực hiện một số tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành.

“Ban soạn thảo khi xây dựng Chuẩn mực thẩm định giá cố gắng đứng trên góc độ người làm nghề thực tế chứ không đơn thuần là từ góc độ quản lý Nhà nước”, ông Đinh Quang Vũ thẳng thắn.

Bà Phí Thị Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thẩm định giá VCHP cũng cho rằng các quy định phải gắn với thực tế. Như quy định phải có tài sản tương đồng trên thị trường để so sánh. Nhưng trong thực tế, nhất là với việc thẩm định giá bất động sản, không phải lúc nào cũng tìm được các tài sản so sánh tương đồng với tài sản thẩm định giá do có rất nhiều khu vực không có giao dịch. Do đó có nhiều trường hợp, chênh lệch giữa mức giá của tài sản so sánh với mức giá chỉ dẫn của tài sản đó là khá cao.

Ông Nguyễn Thế Phượng, Phó Chủ tịch VVA lưu ý, qua nghiên cứu các dự thảo, đối chiếu với Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và những vướng mắc trong hoạt động thẩm định giá ở Việt Nam hiện nay cũng như tham khảo ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp trong ngành tôi cho rằng các quy định không chỉ bám sát thực tế Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện Bộ Tài chính, bà Dương Lan Anh - Phó phòng Quản lý Thẩm định giá, Cục Quản lý giá đánh giá cao hoạt động của VVA trong việc tổ chức lấy kiến góp ý liên quan đến dự thảo các Thông tư quy định về Chuẩn mực thẩm định giá mà Bộ Tài chính đang lấy kiến rộng rãi.

“Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tại Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của VVA về Chuẩn mực Thẩm định giá Việt Nam để hoàn thiện dự thảo một cách đầy đủ, đạt chất lượng cao nhất trước khi thông qua, ban hành. Bộ Tài chính cũng đề nghị VVA tập hợp các ý kiến góp ý tại Hội thảo cũng như các ý kiến góp ý của đông đảo doanh nghiệp hội viên thành văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính để Ban soạn thảo có căn cứ xem xét, tiếp thu, giải trình”, bà Dương Lan Anh khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tin liên quan
Bước tiến mới trong quản lý Nhà nước về giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO