Trong tháng 10/2024, nhìn chung nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, mặt bằng giá vẫn trong kiểm soát. Trong đó, giá một số mặt hàng có biến động như: giá thịt lợn giảm nhẹ; giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng; giá LPG trong nước tăng và giá xăng dầu biến động tăng giảm theo diễn biến của thế giới. Giá rau xanh đã ổn định trở lại trong tháng 10 sau khi tăng cục bộ ở một số địa phương miền Bắc do mưa bão.
Về giá mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. So với đầu năm, giá tối đa mặt hàng xăng giảm từ 954 - 1.276 đồng/lít, tương đương giảm khoảng 4,35% - 6,07%, dầu diesel giảm 1.047 đồng/lít, tương đương giảm 5,41%, dầu mazut tăng nhẹ 595 đồng/kg, tương đương tăng 3,84%, mặt hàng dầu hỏa giảm 1.330 đồng/lít, tương đương giảm 6,66%.
Về khí hóa lỏng (LPG), giá trên thị trường thế giới công bố trong tháng 10 là 622,5 USD/tấn, tăng 22,5 USD/tấn so với tháng 9. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ LPG tăng so với tháng 10/2024 khoảng 6.000 đồng/bình 12 kg, phổ biến lên thành 436.000 đồng/bình 12kg. Trong 10 tháng, giá LPG thế giới có xu hướng tăng trong 3 tháng đầu năm, giảm trong 3 tháng tiếp theo, ổn định trong tháng 7 và tăng trở lại từ tháng 8.
Để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó tập trung theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu khoảng 4%.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; thực hiện đúng chế độ báo cáo giá thị trường định kỳ hàng tháng, quý năm và đột xuất theo quy định tại Nghị định số 85/2024/NĐ-CP, Thông tư 29/2024/TT-BTC, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới.
Ngoài ra, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, tổ chức tốt các kênh phân phối, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, khai thác tối đa thị trường trong nước. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả trong nước.