*Bài viết dựa trên quan điểm của chuyên gia Allison Schrager, Bloomberg.
Allison Schrager chia sẻ: “Tôi nhớ chính xác vào thời điểm năm 2007, khi ngành tài chính đang trên đà khủng hoảng. Tôi đã có một buổi nói chuyện với một người đàn ông làm việc trong lĩnh vực tài chính. Anh ấy không thực sự quan tâm đến công việc của mình và dường như không quá am hiểu hay tò mò về thị trường tài chính. Anh ấy học chuyên ngành tiếng Anh ở trường đại học và kiếm được số tiền không nhỏ. Đó là người đầu tiên nói với tôi về con số - khoản tiền bạn cần kiếm được trước khi bước sang tuổi 40 để không bao giờ phải làm việc nữa. Người đàn ông này trạc tuổi tôi và đã sắp đạt được đích đến này. Lúc ấy tôi đã thấy nhấp nháy những dấu hiệu cảnh báo: Nếu một ngành trả lương cao cho những người không giỏi trong lĩnh vực họ làm thì có điều gì đó không ổn. Đó là một “bong bóng vốn nhân lực”.
Allison Schrager đã nhớ lại cuộc trò chuyện này vào tuần trước khi xem được dòng trạng thái lo lắng của một doanh nhân đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Anh cho rằng bản thân sẽ không bao giờ đạt được con số mục tiêu của mình. Thời gian qua, những người theo đuổi mục tiêu làm giàu đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ nhưng có vẻ “cơn sốt vàng” đã sắp kết thúc.
Hãy xem xét những gì đã xảy ra trong ngành tài chính trong 16 năm qua. Trường Kinh doanh Columbia, có trụ sở tại Manhattan là địa điểm thu hút nhiều người quan tâm đến tài chính. Năm 2007, hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp của trường đã làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Và báo cáo việc làm của trường cũng cho thấy rất ít người tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Nhưng chỉ 5 năm sau, 8,3% số sinh viên tốt nghiệp đã làm việc trong lĩnh vực công nghệ/truyền thông. Vào năm 2022, tỷ lệ này là 16%. Trong khi đó, chỉ có khoảng một phần ba là chọn ngành tài chính.
Xu hướng này thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong số sinh viên chưa tốt nghiệp tại các trường đại học ưu tú. Năm 2007, 47% sinh viên đại học Harvard theo học ngành tài chính nhưng vào năm 2021, con số này chỉ còn 21% và 17% chọn đầu quân vào lĩnh vực công nghệ. Tất nhiên, xét trên tổng quan, chỉ một phần nhỏ trên tổng số sinh viên là đang học tại các trường đại học top đầu nhưng nó mang tính chất minh họa rõ rệt vì đây là những sinh viên có nhiều lựa chọn việc làm nhất.
Công bằng mà nói, ngành công nghệ là mảnh đất màu mỡ để sinh viên phát huy tài năng của mình. Rất nhiều công ty sáng tạo tuyên bố sẽ biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Ngoài ra, một số sinh viên tốt nghiệp cũng sẽ bắt đầu kinh doanh riêng và tạo ra việc làm. Nhưng chắc chắn trong một lĩnh vực, không phải ai cũng gặt hái được thành quả tốt.
Ví dụ, doanh nhân công nghệ ẩn danh mà Allison Schrager nhắc đến đã thành lập công ty thành công nhưng anh vẫn đang loay hoay tìm kiếm cách để nghỉ hưu sớm và chắc chắn điều này sẽ “khó xảy ra”. Một phần vấn đề là anh đã đến “quá muộn”. Các công ty công nghệ mới thường thành công phụ thuộc phần nhiều vào việc nhận được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hoặc nhiều khả năng là được một công ty lớn hơn mua lại. Nhưng số lượng giao dịch rót vốn và IPO đã giảm mạnh và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục. Lãi suất cao hơn khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn, các công ty lớn cũng sẽ gặp nhiều hạn chế khi mua các công ty start-up.
Theo Allison Schrager, ngành công nghệ có thể cũng sẽ thu hẹp lại. Nó vẫn sẽ là một phần quan trọng của nền kinh tế, nhưng có thể sử dụng ít nhân lực hơn và mang lại lợi nhuận “bình thường” hơn.
Vậy câu hỏi đặt ra hiện nay là những người trẻ tham vọng sẽ “rẽ vào lĩnh vực nào” tiếp theo. Từ xưa tới nay, con người luôn có tham vọng theo đuổi “món hời” ở mọi nơi có thể. Đó cũng là một phần lớn trong những gì có thể thúc đẩy nền kinh tế tiến lên phía trước.
Nhiều người cũng thắc mắc, trong bối cảnh lãi suất cao hơn, thế hệ mới tham gia vào thị trường lao động có gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào một ngành mới hay không. Không hẳn nhưng sự dịch chuyển sẽ bị thu hẹp.
Theo Allison Schrage - người đã trò chuyện với nhiều ứng viên ưu tú và có nhiều cơ hội chọn việc làm, sự bùng nổ tiếp theo có thể là công nghệ xanh (green tech). Cũng như tài chính và công nghệ, sự bùng nổ của công nghệ xanh nhìn chung sẽ có lợi cho nền kinh tế. Nhưng chắc chắn sẽ tiêu tốn nhiều nguồn nhân lực và vốn.
Tham khảo Bloomberg