Theo Luxurylaunches, hiện nay số lượng đồng hồ xa xỉ giả mạo đã tăng lên nhanh chóng. Trong đó hàng nhái Rolex được cho là chiếm khoảng 50%. Giám đốc điều hành của Watchfinder & Co., Arjen van de Vall, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng gần 10% đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng bị phát hiện là hàng giả. Ông tiết lộ: “Rolex là thương hiệu đồng hồ xa xỉ được ưa chuộng và giao dịch khá nhiều, do đó, những chiếc đồng hồ này được sao chép nhiều nhất.
Nhu cầu về đồng hồ sang trọng của Thụy Sĩ ngày càng tăng và điều này đang mở rộng sang cả thị trường đồng hồ đã qua sử dụng. Theo báo cáo của Boston Consulting Group Inc. và WatchBox, giá đồng hồ Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet tăng trung bình 20% mỗi năm kể từ giữa năm 2018, vượt xa chỉ số chứng khoán S&P 500, do giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng tăng mạnh.
Một bài báo trên Watchfinder ước tính rằng có khoảng 40 triệu đồng hồ giả được sản xuất mỗi năm. Con số này gấp đôi so với những số lượng đồng hồ chính hãng mà Thụy Sĩ sản xuất mỗi năm. Ước tính những chiếc đồng hồ nhái này tạo ra lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD cho những kẻ làm đồ giả.
Ngoại lệ: Các đại gia ở Los Angeles đua nhau mua đồng hồ Rolex nhái
Trong năm 2021, đặc biệt ở khu vực Los Angeles, tỷ lệ những vụ cướp giật đồng hồ đã tăng đáng kể. Có lẽ do COVID, hoặc do giá Rolex đã tăng chóng mặt trên thị trường 'chợ đen' (trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức) trong vài năm qua. Tình trạng này tệ đến mức khiến một số nhà báo về đồng hồ gọi Rolex là "chiếc đồng hồ nguy hiểm nhất thế giới".
Hệ quả là không ít người có tiền đang bảo vệ bản thân bằng cách… đi mua đồng hồ 'superfake'. Xu hướng này đã trở nên rõ rệt đến nỗii một số nhà sưu tập đồng hồ giàu có nhất của LA đã chi ra những khoản tiền khổng lồ cho những bản nhái siêu giống đồng hồ thật. Đây là những chiếc Rolex giả khó phân biệt được đâu là thật. Chúng có thể đánh lừa ngay cả những nhà sưu tập đồng hồ dày dạn kinh nghiệm, chứ chưa nói đến những tên tội phạm.
Một chiếc Rolex hàng nhái ở chất lượng cao nhất có giá tầm 600 đến 700 USD nếu mua từ nguồn, dĩ nhiên không rẻ so với mặt bằng chung đồng hồ bình dân. Nhưng so với mức giá 10 đến 200 nghìn USD cho một chiếc Rolex thật tùy mẫu tùy đời, thì chênh lệch là rất lớn.
Cách để phân biệt đồng hồ giả
Van de Vall cho biết, trước đây các chuyên gia tại Watchfinder có thể phát hiện ra 80% hàng giả bằng mắt thường. Tuy nhiên, hiện nay những người lành nghề nhất cũng chỉ có thể xác định 20% vì những chiếc đồng hồ này được sản xuất tinh vi và gần như chính xác. Một số sản phẩm nhái thuyết phục đến mức có thể đánh lừa cả những chuyên gia am hiểu nhất.
Hình minh họa. Ảnh: Watchbox
Giám đốc điều hành của công ty thuộc sở hữu của Richemont tuyên bố rằng các nhân viên “giờ đây cần thực hiện các cuộc kiểm tra chi tiết hơn bao gồm mở nắp lưng đồng hồ và kiểm tra các chuyển động để xác định hàng nhái cao cấp”.
Dưới đây là một số cách để phân biệt đồng hồ nhái:
Kiểm tra mặt số và mặt kính
Nhìn vào mặt đồng hồ người mua có thể nhìn thấy rõ các chi tiết trên đó được làm rất đều và cân đối với nhau còn những đồng hồ giả thì các chi tiết in hoặc dập khá cẩu thả, thiếu ngay ngắn. Các kim đồng hồ cũng là một điểm mà bạn cần lưu ý, với những chiếc đồng hồ chính hãng thì kim đồng hồ được làm cực kỳ đều và có độ nét cao.
Kiểm tra phần dây và vỏ đồng hồ
Với đồng hồ dây kim loại, người dùng có thể kiểm tra nhanh bằng cách giữ chặt dây đồng hồ lắc qua lắc lại, nếu là đồng hồ chính hãng thì dây rất chắc chắn; nếu đó là hàng giả thì dây thường lỏng lẻo, nhanh giãn. Mặt trong và khe giữa các mắt dây đồng hồ chính hãng vẫn đảm bảo độ láng mịn, còn ở hàng giả thường bị nhám và được làm cẩu thả.
Với đồng hồ dây da chính hãng, mặt sau dây thường được in mã đồng hồ, mã số đường dây, trong khi đó đồng hồ giả có dây với đường chỉ khâu lộn xộn, thường không có mã sản phẩm, mã dây.
Kiểm tra dấu hiệu khắc, dập
Hình minh họa. Ảnh: Watchbox
Thông thường, đồng hồ chính hãng có biểu tượng dập khắc ở núm hoặc khóa dây. Với đồng hồ chính hãng, các chi tiết khắc dập sẽ khá sắc sảo, đồng đều, không bị nhòe.
Phần đáy đồng hồ in một số thông số kĩ thuật cơ bản như: chất liệu vỏ, chất liệu kính, độ chịu nước, loại máy, model hoặc serial. Người mua có thể kiểm tra xem những thông tin này có khớp với thông tin được đăng tải trên trang web chính thức của nhà sản xuất hay không. Ngoài ra, các con số phải được in với độ nông sâu đồng đều, sắc nét và cân đối. Đối với hàng giả, chi tiết in sẽ không đều nhau, đường nét không đẹp, tinh xảo.
Kiểm tra tem và phiếu bảo hành
Bất kì sản phẩm chính hãng nào cũng đi kèm đầy đủ phụ kiện như hộp đựng, sổ hướng dẫn, quan trọng nhất là sổ bảo hành. Nếu mua chiếc đồng hồ không có đầy đủ các phụ kiện trên, đồng nghĩa có thể đó là 1 sản phẩm nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Một lưu ý quan trọng ở đây là khi mua, bạn nên kiểm tra xem mã số đồng hồ có đúng với mã số được ghi trong thẻ bảo hành hay không bởi nếu mã số này không khớp, thẻ này hoàn toàn không có tác dụng
Tổng hợp