Bà Sakova phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp của Hội đồng năng lượng tại Brussels, hiện tại, khối lượng khí đốt đang được đàm phán là 15 tỷ mét khối trong 1 năm và các cuộc thảo luận khác đang tiếp tục diễn ra với một số đối tác có khả năng cung cấp, vận chuyển nhiên liệu. Ngoài ra, nước này cũng kỳ vọng thoả thuận có thể bao gồm việc Nga cung cấp khí đốt trong 2 hoặc 3 năm tới.
Đây là dấu hiệu mới cho thấy các quốc gia EU phụ thuộc vào khí đốt Nga đang nỗ lực hết sức để đạt được thoả thuận mới trong bối cảnh việc tìm kiếm các giải pháp mới đang trở nên gấp rút. Một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ là liệu Ukraine có đồng ý với các điều khoản cho hợp đồng trung chuyển hay không và quyết định cuối cùng có thể sẽ liên quan đến chính trị.
Bà Sakova cho biết: “Chúng tôi muốn các cuộc đàm phán kết thúc vào cuối năm nay nhưng vẫn phụ thuộc vào các đối tác khác.”
Slovakia vẫn là khách hàng mua khí đốt quan trọng đối với Nga qua đường ống Ukraine. Thoả thuận trung chuyển sẽ hết hạn vào cuối năm nay nhưng vẫn chưa có phương án thay thế nào được thống nhất. Một số lựa chọn đã được đưa ra để duy trì dòng chảy khí đốt, bao gồm cả việc sử dụng nguồn cung từ các bên trung gian.
Slovakia có hợp đồng dài hạn với tập đoàn Gazprom của Nga. Tuần trước, Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, cho biết ông muốn đảm bảo nguồn cung được ổn định ở phía đông để tránh việc phải chi trả thêm phí vận chuyển khí đốt từ các huớng khác.
Các cuộc thảo luận của Slovakia đang được thúc đẩy mạnh hơn khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến thời điểm thoả thuận 5 năm giữa Nga và Ukraine trung chuyển khí đốt đến các quốc gia Trung Âu hết hạn. Thủ tướng Slovakia và người đồng cấp Ukraine, Denys Shmyhal, sẽ có một cuộc điện đàm về việc vận chuyển khí đốt đến Slovakia qua Ukraine.
Bà Sakova nói thêm rằng quốc gia EU này đang tìm kiếm giải pháp cho 2 đến 3 năm tới và những nỗ lực để đảm bảo lượng khí đốt dự trữ, cùng với đó là nguồn cung đa dạng đủ để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Slovakia tiêu thụ khoảng 4,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Ngoài ra, các quốc gia khác của EU cũng có nhu cầu với khí đốt trong vài năm tới.
EU vẫn đặt mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào năm 2027 và sắp xếp các phương án thay thế như khí đốt tự nhiên hoá lỏng từ các nhà cung cấp khác trên thế giới.
Phó Thủ tướng Slovakia cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được thực tế này, nhưng cho đến năm 2027, chúng tôi vẫn phải đáp ứng nhu cầu của các khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình Slovakia.”
Giá khí đốt ở châu Âu đang biến động mạnh do lượng khí đốt tự trữ đang bị “rút” nhanh hơn tốc độ bình thường trong bối cảnh thời tiết lạnh giá và thiếu năng lượng gió vào đầu mùa đông.
Tham khảo Reuters