Bất động sản tuần qua: VARs “giải oan” cho môi giới, giá nhà đất tăng cao làm nóng lại chuyện thu thuế BĐS

Lê Sáng (T/h) | 07:35 03/11/2024

Tại họp báo do VARs vừa tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia đã lên tiếng “giải oan” cho môi giới bất động sản; giá nhà đất tăng cao “phả hơi nóng vào nghị trường Quốc hội” và làm nóng lại câu chuyện thu thuế nhà đất thứ 2,… là một số tin tức bất động sản nổi bật tuần qua.

Bất động sản tuần qua: VARs “giải oan” cho môi giới, giá nhà đất tăng cao làm nóng lại chuyện thu thuế BĐS
Chủ tịch VARs TS. Nguyễn Văn Đính tại họp báo “Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường”.

Môi giới bất động sản không đủ khả năng xuống tiền “ôm hàng” gây lũng đoạn thị trường

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại buổi họp báo “Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường”.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định, quyền quyết định giá bán bất động sản là quyền của chủ đầu tư, của nhà phát triển bất động sản, môi giới bất động sản không được phép tham gia. Có thể thấy, chủ thể cần xác định giá bán, có quyền xác định giá bán là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bất động sản. Bán giá cao hay thấp là tùy vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, tại từng thời điểm nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp có thể định giá cao để tối đa hóa lợi nhuận, cũng có thể định giá thấp nhằm tăng tính cạnh tranh hoặc xác định một bước giá hài hòa để đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp và khách hàng. Tùy từng thời điểm mà mục tiêu của doanh nghiệp có thể khác nhau, từ đó chiến dựa về giá bán sản phẩm cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

"Quy chụp hoàn toàn cho môi giới bất động sản đẩy giá là bất hợp lý"

Theo các chuyên gia, môi giới bất động sản (BĐS) không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản bị đẩy giá lên cao trong thời gian qua, việc quy chụp hoàn toàn do môi giới là bất hợp lý.

moi-gioi-bds.jpg

Gần đây, trước thực trạng giá BĐS tại Hà Nội neo ở mức cao và liên tục tăng mạnh, nhiều thông tin cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên là do các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS có hành vi cấu kết, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: “ Việc môi giới BĐS đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường là có nhưng mà cũng không, không nhưng mà cũng có. Thực tế, ngoài các nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng hành nghề, chấp hành tốt các quy định pháp luật, thì cá biệt vẫn còn có một số ít cá nhân môi giới BĐS bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh BĐS nâng giá hoặc dìm giá thị trường. Nhưng chắc chắn hiện tượng này không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường”.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Giá nhà đất tăng cao “phả hơi nóng” vào nghị trường Quốc hội

Tại phiên họp Quốc hội sáng 28/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm giá nhà đất tăng quá cao là bất thường và cần sớm có giải pháp khắc chế.

db-thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Theo đó, tại phiên họp, thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện giá nhà đất tăng nóng thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đánh giá giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng hiện nay thị trường bất động sản đang “hư hư thực thực, khó định giá”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá đang có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng để kiểm soát giá bất động sản, cần có cơ chế yêu cầu người tham gia đấu giá đất phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng sau nhiều lần đầ xuất đánh thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Bộ Xây dựng: Giá chung cư liên tục tăng, một số khu vực tăng cục bộ đến 40% trong vòng một quý

Tại công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2024, Bộ Xây dựng cho biết, trong Quý III/2024, theo khảo sát và tổng hợp báo cáo, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm.

chung-cu-hn.jpg

Nguyên nhân tăng giá trong thời gian qua, một phần lớn do tác động bởi một số yếu tố như việc biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai, đặc biệt tại một số địa phương; sản phẩm nhà ở giá bình dân không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường. Theo đó, đã kéo giá bán chung cư tăng lên, đặc biệt có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Trên thị trường phân khúc căn hộ chung cư bình dân (có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán; căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 25 - 50 triệu đồng/m2) vẫn chiếm tỉ trọng cao về giao dịch và nguồn cung trên thị trường, thứ tự còn lại là căn hộ chung cư cao cấp, siêu cao cấp (có mức giá >50 triệu đồng/m2).

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Cơ quan giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm đánh thuế tăng với người sở hữu nhiều bất động sản

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản.

quoc-hoi.jpg

Cụ thể, báo cáo của đoàn giám sát, thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.

Đoàn giám sát cũng lưu ý chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký các lĩnh vực khác.

Kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tồn tại bất cập nhiều năm, khi cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, gây mất cân đối cung - cầu.

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bất động sản tuần qua: VARs “giải oan” cho môi giới, giá nhà đất tăng cao làm nóng lại chuyện thu thuế BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO