Bảng giá đất mới tại Tp.HCM đẩy chi phí sử dụng đất tăng cao: Giá bất động sản "leo thang"?
Theo đại diện Savills, bảng giá đất mới Tp.HCM có hiệu lực từ 31/10/2024, người dân được đảm bảo quyền lợi từ mức đền bù sát giá thị trường hơn, trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực từ chi phí sử dụng đất tăng cao, đẩy giá bất động sản leo thang.
Cuối năm 2024, Tp.HCM công bố bảng giá đất mới theo Quyết định số 79/2024/QĐ-UBN có hiệu lực kể từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ năm 2020, với mức giá đất tăng mạnh, từ 4 đến 38 lần tùy khu vực. Mức giá thấp nhất tại Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) là 2,3 triệu đồng/m2, trong khi cao nhất tại các tuyến đường trung tâm quận 1 như Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ đạt 687,2 triệu đồng/m2.
Theo Savills, việc điều chỉnh bảng giá đất được tin tưởng sẽ không chỉ đảm bảo tính công bằng, mà còn thúc đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng quan trọng của thành phố. Định giá đất sát với giá trị thị trường giúp giảm thiểu tranh chấp trong giải phóng mặt bằng – một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án lớn như đường Vành đai 3 và tuyến Metro số 2 bị trì hoãn nhiều năm.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
GS. Đặng Hùng Võ nói gì về những ý kiến ngược nhau việc đưa giá đất tiến sát với giá thị trường?
GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt vấn đề: Vì sao có những chuyện tranh cãi bảng giá đất thấp hay cao?. Tại hội thảo mới đây, GS. Võ đã trả lời cho những ý kiến ngược nhau về việc đưa giá đất tiến sát với giá thị trường.
Chia sẻ xung quanh vấn đề áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, GS. TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Thực tế là để bảng giá đất thấp hay cao đều có những ý kiến "kêu ca".
GS. Đặng Hùng Võ đặt ra vấn đề: Vì sao có những chuyện tranh cãi này?
Theo ông Võ có 2 vấn đề. Thứ nhất, bảng giá đất phải tương đương thị trường, phù hợp thị trường. Điều này được quy định từ Luật Đất đai 2013 nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Vấn đề đặt ra là thực thi áp dụng thế nào? Đây là câu chuyện chính sách của Nhà nước.
Trường hợp nào áp dụng 80% thị trường, trường hợp nào áp dụng 20% thị trường, những trường hợp cụ thể sẽ có những tỷ lệ áp dụng khác nhau. Áp dụng thế nào để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội chính là do chính sách điều tiết của Nhà nước. Chính sách hiện nay thế này nhưng 5 năm sau vẫn có thể thay đổi.
Đó chính là câu trả lời cho những ý kiến ngược nhau về việc đưa giá đất tiến sát với giá thị trường.
Thứ hai, chúng ta đang chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Do đó, giá trị do kinh tế thị trường quyết định.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
"Chỉ trong 1 năm, quyết định giao đất ở trong cùng một khu vực, cùng một thửa đất cách nhau 4 tháng mà giá đất tăng 40%, nhanh hơn cả tốc độ lạm phát"
Đây là một dẫn chứng liên quan đến những bất cập về định giá đất hiện nay được ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest nêu ra tại Hội thảo “Áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024: Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam".
Trình bày về nội dung Bảng giá đất mới và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest nhận định đây là vấn đề nóng hiện nay.
Sau khi 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực, chúng ta đều đánh giá rằng đã có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các hoạt động trên thị trường bất động sản. Nhưng thực tế, vẫn có một số vấn đề hạn chế, một trong số đó là định giá đất - vấn đề đang gây ra ách tắc rất lớn.
"Chúng tôi có 1 dự án đã có quyết định giao đất cách đây 9 tháng, đến nay vẫn chưa định được giá đất. Thế nhưng, 9 tháng của chúng tôi chưa phải là nhiều vì có dự án của doanh nghiệp khác 2 năm chưa định giá đất, thậm chí có dự án nhà xây xong vẫn chưa định được giá đất. Điều này đang gây ra rất nhiều bức xúc", ông Hiệp bày tỏ.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Ngành công nghiệp bán dẫn thúc đẩy phát triển bất động sản công nghiệp
Chuyên gia Savills Việt Nam đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn hiện giữ vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến tháng 11/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD.
Trong đó, nhiều dự án lớn sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Nổi lên trong nhóm ngành công nghệ cao là ngành công nghiệp bán dẫn, đạt doanh thu 18,2 tỷ USD vào năm 2024, là một lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội dự đoán năm 2025-2026, bán dẫn vẫn là một chủ đề nóng. Trong đó, Việt Nam đang tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi để gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Công ty thành viên của Tập đoàn Daewoo chuyển nhượng 1,5 ha "đất vàng" tại KĐT Starlake Tây Hồ Tây cho doanh nghiệp khác, Hà Nội ra quyết định thu hồi đất
Lý do thu hồi là do Công ty TNHH phát triển THT (thuộc Tập đoàn Daewoo E&C, Hàn Quốc) đã chuyển nhượng phần dự án đầu tư tại ô đất ký hiệu B1CC4 thuộc dự án Starlake Tây Hồ Tây cho Công ty TNHH VIESTA.
Ngày 09/01, UBND Thành phố ban hành quyết định về việc thu hồi 15.087m2 đất tại ô đất B1CC4 dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake Tây Hồ Tây), phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm do Công ty TNHH phát triển THT đang sử dụng; cho Công ty TNHH VIESTA thuê để tiếp tục thực hiện Dự án B1CC4.
Lý do thu hồi là do Công ty TNHH phát triển THT đã chuyển nhượng phần dự án đầu tư tại ô đất ký hiệu B1CC4 thuộc dự án Starlake Tây Hồ Tây - Giai đoạn 1 phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm cho Công ty TNHH VIESTA theo Hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án bất động sản vào năm 2023.
UBND TP Hà Nội quyết định cho Công ty TNHH VIESTA thuê diện tích đất thu hồi nêu trên để tiếp tục thực hiện Dự án B1CC4 theo đúng mục tiêu, nội dung, quy hoạch và tiến độ dự án được duyệt.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Công ty con hơn 1 năm tuổi của IDICO làm dự án KCN hơn 3,500 tỷ ở Hải Phòng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinh Quang (giai đoạn 1) thuộc thành phố Hải Phòng.
Khu công nghiệp thuộc địa phận các xã Vinh Quang, Cộng Hiền, Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo của thành phố Hải Phòng với quy mô diện tích hơn 226ha. Dự án dự kiến cần khoảng 3.5 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó nhà đầu tư sẽ bỏ ra hơn 536 tỷ đồng. Thời gian hoạt động được cấp phép trong vòng 50 năm.
Ngoài việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định cũng đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần IDICO Vinh Quang (IDICO-IVC) - công ty con do Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) thành lập cuối năm 2023 và nắm hơn 99% trong 550 tỷ đồng vốn điều lệ.
Công ty Cổ phần IDICO Vinh Quang được thành lập ngày 7/11/2023, địa chỉ trụ sở chính đăng ký tại Cụm 10, Thôn Cúc Phố, Xã Vinh Quang, Huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.
Tại thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 550 tỷ đồng do Tổng Công ty IDICO – CTCP góp 99,99% vốn, 02 cá nhân là Mai Quốc Chính và Võ Tấn Dũng mỗi người góp 0.005%. Hiện doanh nghiệp do ông Phan Lê Anh (SN 1974) là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY