Bất động sản Gia Lâm đìu hiu trước ngày lên quận

Lâm Tùng - Thùy Quỳnh | 12:38 31/03/2023

Đất thổ cư Gia Lâm không có nhiều biến động về giá trong một năm qua, cũng không phản ứng trước thông tin lên quận. Trong khi đó, các loại hình bất động sản đầu tư đang giảm giá 15-20%.

Bất động sản Gia Lâm đìu hiu trước ngày lên quận
Trước thềm lên quận, đất giảm giá nhưng bất động sản Gia Lâm không có nhiều giao dịch.

Nội dung chính:

  •  Đất thổ cư tại Gia Lâm không có nhiều biến động từ đầu năm 2022 đến nay, một số lô giảm giá nhẹ 5-10%
  • Các loại hình bất động sản đầu tư như đất nền, nhà liền kề… đang có hiện tượng cắt lỗ, một số sản phẩm giảm giá 20%.
  • Trước thềm lên quận, giảm giá nhưng bất động sản Gia Lâm không có nhiều giao dịch.

Gần 3 tháng nay, chị Minh Tuyết - một môi giới nhà đất 6 năm kinh nghiệm đã rao bán 2 mảnh đất nằm trên trục đường rộng khoảng 3,5 mét thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm với giá 33-36 triệu đồng/m2 nhưng chưa có người mua. Số lượng khách quan tâm cũng không đáng kể dù giá đã giảm 5-10% so với một năm trước.  

Kiêu Kỵ từng là một trong những khu vực có giá đất tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2021 do “ăn theo” hạ tầng và các dự án lớn trong khu vực. Nhiều môi giới từng quảng cáo giá đất địa phương này sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi lên quận, tuy nhiên thực tế cho thấy ngay trước thềm lên quận, giá bất động sản tại đây không có biến động đáng kể, thậm chí một số lô có hiện tượng giảm giá.

Đất thổ cư chỉnh nhẹ, không có giao dịch

Không riêng Kiêu Kỵ, không khí trầm lắng bao phủ toàn bộ thị trường địa ốc Gia Lâm Anh Tuấn Tài, môi giới bất động sản cho biết trong 5 qua, chưa bao giờ đất Gia Lâm khó giao dịch như hiện tại. Đất ở - vốn là loại hình ổn định về giá và giao dịch, cũng chung cảnh đìu hiu.

“Kiêu Kỵ, Trâu Quỳ, Đông Dư và Đa Tốn là 4 khu vực có bất động sản sôi động nhất Gia Lâm những năm qua nhưng đến nay đều ảm đạm. Giá không giảm nhưng cũng không tăng, nếu so sánh với lãi suất ngân hàng như hiện nay thì ai ôm đất giai đoạn này cũng lỗ”, chị Tuyết nói.

Tại thị trấn Trâu Quỳ, giá đất mặt phố dao động trung bình trong khoảng 90-130 triệu đồng/m2, một số lô có vị trí đẹp trên các tuyến phố Ngô Xuân Quảng, Nguyễn Ích Khiêm… có giá 150-180 triệu đồng/m2. Mức giá này không thay đổi từ đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên môi giới cho rằng không ít chủ đất sẵn sàng giảm giá 5-10% nếu khách hàng “chốt nhanh”.

Tai các trục đường rộng trên 3 mét ở xã Đông Dư, giá đất thổ cư được rao bán trung bình ở 60-75 triệu đồng/m2 - đi ngang so với năm 2022.

“Từ 2020 đến 2022, đất Đông Dư đã tăng 30-50%, tuy nhiên từ tháng 3/2022 đến nay, giá đất không biến động và cũng không có giao dịch đáng kể. Trước đây đất Đông Dư giao dịch rất dễ, nếu không muốn nói hàng ra đến đâu bán hết đến đấy”, anh Tuấn Tài, nhân viên môi giới một văn phòng bất động sản tại Gia Lâm nói.

Tại các khu khác như Đa Tốn, Cổ Bi, Đặng Xá… giá đất mặt đường lớn hiện có giá trung bình 70-130 triệu đồng/m2. Trên các trục đường hẹp hơn, khoảng 3 mét, giá đất đang được chào ở mức 40-45 triệu đồng/m2.

dat-gia-lam.png
Giá đất thổ cư tại Đa Tốn không biến động trong 1 năm qua.

Bất động sản khu đô thị, đất nền giảm giá sâu

Cuối năm 2021, chị Thùy Linh mua chuyển nhượng một căn shophouse 67,5 m2 giá 15 tỷ đồng tại khu vực Đa Tốn với mục đích lướt sóng. Tuy nhiên thị trường diễn biến bất ngờ, bất động sản đóng băng khiến chị Linh không bán được căn nhà như kế hoạch. Hiện chị Linh đã rao bán cắt lỗ căn liền kề, giảm giá xuống còn 12 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người hỏi mua.

Cùng khu vực, một số căn biệt thự từng tăng giá từ 80 triệu đồng lên 200 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên từ giữa 2022 đến nay, ngay cả khi giảm giá còn 180 triệu đồng/m2, các căn biệt thự cũng không hút được người mua. 

Tương tự với loại hình nhà ở thấp tầng, đất nền Gia Lâm cũng đang trong cảnh đìu hiu, ảm đạm, giá giảm sâu nhưng không có thanh khoản.

Tại  khu đất tái định cư 31ha ở thị trấn Trâu Quỳ, giá đất nền đang giảm từ 110 triệu đồng/m2 xuống còn khoảng 95 triệu đồng/m2. 

Ở Yên Viên, nhiều mảnh đất phân lô bán nền từng đội giá 20% trong giai đoạn 2020-2021, tăng từ mức trung bình 25 triệu đồng lên 30 triệu đồng/m2, nay đang rục rịch cắt lỗ. Một số lô giảm giá còn 26 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có giao dịch.  

Lý giải về hiện tượng bất động sản đi ngang, giảm giá trước thông tin chuyển đổi từ huyện lên quận tại Đông Anh hay Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra 3 lý do.

Thứ nhất, thông tin lên quận đã có từ nhiều năm trước và đã phản ánh vào giá bất động sản từ những năm 2018-2021.

Thứ hai, thị trường địa ốc các huyện này vốn đã tăng nóng trong những năm trước khi có thông tin quy hoạch một loạt dự án lớn… Giá đất do đó đã vượt xa khỏi giá trị thực tế, do vậy đến nay, khi thị trường diễn biến xấu, nhà đầu tư không thể chấp nhận mức giá cũ và việc giảm giá thực chất là cách đưa bất động sản về giá trị thực.

Thứ ba, diễn biến giá bất động sản của Đông Anh hay Gia Lâm, Sóc Sơn… cũng không thể nằm ngoài quy luật chung của thị trường. Việc bất động sản suy giảm từ Bắc và Nam đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, giá đi ngang hay giảm sâu ở một thị trường không phải là điều khó hiểu. Trước thềm lên quận, dù giá đất giảm nhiệt nhưng hàng loạt văn phòng môi giới bất động sản rơi vào cảnh đìu hiu, không có hoạt động tư vấn, mua bán, khác xa với cảnh nhộn nhịp vào thời điểm “sốt nóng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bất động sản Gia Lâm đìu hiu trước ngày lên quận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO