Bộ Tài Nguyên – Môi trường họp với Hiệp hội BĐS Tp.HCM xử lý vướng mắc về bảng giá đất mới
Bộ TN-MT đã có Công văn số 5908 gửi các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý kiến. Đến nay, Bộ TN-MT chưa nhận được ý kiến góp ý của các nơi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM vừa có thư mời họp gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban pháp Luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND Tp.HCM, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) về hướng xử lý vướng mắc của UBND TP.HCM liên quan đến bảng giá đất.
Nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 6121 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn việc áp dụng bảng giá đất theo luật Đất đai 2024, Công văn số 6159 của Văn phòng Chính phủ về việc làm việc với Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM: Giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các nội dung vướng mắc UBND Tp.HCM nêu tại Công văn số 4724, thống nhất phương án giải quyết và khẩn trương có văn bản hướng dẫn UBND Tp.HCM và các địa phương thực hiện.
Ngay sau đó, Bộ TN-MT đã có Công văn số 5908 gửi các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý kiến. Đến nay, Bộ TN-MT chưa nhận được ý kiến góp ý của các nơi.
Do đó, để thống nhất phương án giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến, trao đổi các nội dung vướng mắc của UBND Tp.HCM vào ngày 10/9/2024.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
4 trường hợp có thể phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần theo Dự thảo Bảng giá đất mới tại TP. HCM
Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng nếu tính theo giá đất tại Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh đang được xây dựng thì sẽ có đến 4 trường hợp có thể phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần khi thực hiện các thủ tục về đất đai.
Nhận xét về Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh mà Sở TN&MT TP. HCM đang lấy ý kiến, HoREA cho rằng Dự thảo nhằm mục đích áp dụng cho 11 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024, trong đó có trường hợp “tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân”, nên việc sớm ban hành “Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh” còn giúp tháo gỡ ách tắc cho nhiều hồ sơ đã nộp tại Cơ quan Thuế từ ngày 01/08/2024 đến nay.
Tuy nhiên, theo HoREA, Dự thảo khi xây dựng cần bảo đảm công bằng cho các cá nhân, hộ gia đình nộp tiền sử dụng đất từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/12/2025 cũng sẽ tương đương hoặc nếu có cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất trong 07 tháng đầu năm 2024.
Do theo Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh, giá đất tại nhiều vị trí tại TP. HCM tăng lên gấp nhiều lần, do đó, HoREA lo ngại 4 trường hợp cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai có thể phải thực hiện các nghĩa cụ tài chính liên quan tăng lên gấp nhiều lần.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Ai được hưởng lợi nhiều nhất từ bảng giá đất mới của Tp.HCM?
Theo Sở TN&MT Tp.HCM, bảng giá đất điều chỉnh có lợi cho người dân có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng hơn, với số tiền được bồi thường cao hơn trước đây. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Mới đây, Sở TN&MT Tp.HCM có giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn Tp.HCM, theo quy định tại khoản 1, điều 257, Luật đất đai 2024.
Theo Sở TN&MT, việc điều chỉnh giá đất mới dự kiến sắp ban hành sẽ không tác động đến các giá nhà đất tại các dự án các doanh nghiệp bất động sản cũng như thị trường bất động sản nói chung. Theo Sở này, tiền sử dụng đất các dự án bất động sản được xác định bằng phương pháp thặng dư. Do đó, kết quả xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư dù cao hay thấp hơn giá đất tại Bảng giá đất cũng không phải điều chỉnh theo giá đất tại Bảng giá đất.
Ngoài ra, giá đất nông nghiệp tại bảng giá đất sau điều chỉnh tăng so với trước đây, làm cho khoảng cách chênh lệch địa tô hài hòa hơn so với thực tế. Việc này dẫn đến các khoản được trừ minh bạch, công khai, công bằng và hợp lý hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Duy nhất liên danh Trường Sơn - Him Lam muốn làm dự án khu dân cư hơn 11.000 tỷ, rộng gần 215 ha ở Long An
Theo Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, liên danh Trường Sơn - Him Lam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo đó, liên danh Trường Sơn - Him Lam gồm CTCP Bất động sản Trường Sơn và CTCP Him Lam.
Cụ thể, CTCP Bất động sản Trường Sơn tiền thân là CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam được thành lập từ năm 2008, là thành viên của Tập đoàn Him Lam. Vốn điều lệ của công ty ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2017 là 1.700 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thủy là người đại diện pháp luật kiêm Chủ Tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty.
CTCP Him Lam - tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Him Lam do ông Dương Công Minh thành lập năm 1994, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Trên website giới thiệu công ty nêu, sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, công ty Him Lam hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam.
Về dự án khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mà liên danh Trường Sơn - Him Lam đăng ký thực hiện có diện tích hơn 214.92ha. Quy mô dân số khoảng 30.681 người.
Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở bao gồm 2.875 căn do nhà đầu tư xây dựng và 5.482 căn do nhà đầu tư chuyển nhượng cho người dân tự xây. Tổng mức đầu tư 11.222 tỷ đồng; trong đó chi phí thực hiện gần 7.030 tỷ đồng, còn chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 4.193 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện khoảng 6 năm tính từ ngày được chấp thuận nhà đầu tư, dự kiến từ quý 1/2025 đến quý 4/2030. Thời hạn hoạt động là 50 năm, được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Him Lam Thường Tín rầm rộ rao bán, doanh nghiệp đứng sau đang thế chấp những gì?
Dự án Him Lam Thường Tín đang được rao bán rầm rộ trong khi Trường Sơn Land (tiền thân là Him Lam Land) dù không phải chủ đầu tư nhưng lại đang thế chấp nhiều quyền tài sản tại dự án cho Sacombank của Chủ tịch Dương Công Minh.
Dự án Him Lam Thường Tín được biết đến là Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán, thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất cả lô tại khu đất ký hiệu L27 (đô thị số 1) tại Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Chủ đầu tư của dự án Him Lam Thường Tín được công bố là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bất động sản Kim Cương, đơn vị phát triển dự án là Công ty cổ phần Bất động sản Trường Sơn (Trường Sơn Land) - doanh nghiệp được đổi tên từ Him Lam Land, một trong những hạt nhân quan trọng của hệ sinh thái Him Lam do ông Dương Công Minh đứng sau.
Theo dữ liệu của MarketTimes cũng cho thấy hiện Trường Sơn Land trong vai trò đơn vị phát triển dự án, dù không phải chủ đầu tư lại đang đứng tên thế chấp nhiều quyền tài sản liên quan đến dự án Him Lam Thường Tín.
Cụ thể, ngày 11/7/2024, Công ty CP bất động sản Trường Sơn đã đứng tên thế chấp cho Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi Nhánh Trung Tâm quyền tài sản phát sinh từ 16 Hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ tại Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội với tổng trị giá tài sản hơn 122,24 tỷ đồng.
Đến ngày 18/7, Công ty CP bất động sản Trường Sơn đã đứng tên thế chấp cho Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi Nhánh Trung Tâm quyền tài sản phát sinh từ 79 Hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ tại Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội với tổng trị giá tài sản hơn 718,74 tỷ đồng.
Vào ngày 13/8/2024, Công ty CP bất động sản Trường Sơn đã tiến hành rút bớt giá trị tài sản tại Hợp đồng thế chấp đã ký với Sacombank Chi nhánh Trung tâm ngày 18/7 xuống còn hơn 676 tỷ đồng, đồng thời rút bớt Quyền tài sản phát sinh từ 05 Hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
KITA Invest phải trả hơn 59,45 tỷ đồng lãi trái phiếu nửa đầu năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần KITA Invest phải dành hơn 59,45 tỷ đồng để trả lãi cho 1.195,6 tỷ đồng nợ trái phiếu đang lưu hành.
Công ty Cổ phần KITA Invest vừa gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) báo cáo thông tin tình hình thanh toán gốc lãi trái phiếu cho kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, KITA Invest đã phải dành hơn 59,45 tỷ đồng để trả lãi cho 1.195,6 tỷ đồng nợ trái phiếu đang lưu hành.
Liên quan đến hoạt động của Công ty Cổ phần KITA Invest, mới đây, nhiều nhà đầu tư và giới quan sát đã bày tỏ sự quan tâm về mối liên hệ giữa KITA Invest và Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận - doanh nghiệp vừa bị Cục thuế Cần Thơ có văn bản yêu cầu ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Liên quan đến sự việc ngăn chặn tẩu tán tài sản của Công ty Ngân Thuận, dư luận cho rằng, những tài sản này liên quan đến sản phẩm mà Công ty KITA Invest đã trúng đấu giá từ năm 2019 tại dự án KDC Ngân Thuận do Công ty Ngân Thuận làm chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, KITA Invest và Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận đã có những mối liên hệ khá chặt chẽ khi từ tháng 7/2023, 2 doanh nghiệp này đã cùng nhau đứng tên thế chấp Dự án xây dựng nhà ở cao tầng trên 07 lô đất thuộc Dự án Stella Mega City làm tài sản bảo đảm VPBank Chi nhánh Bến Thành.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập KITA Group Nguyễn Duy Kiên từng là Tổng Giám đốc Công ty Ngân Thuận
Xem chi tiết TẠI ĐÂY