4 trường hợp có thể phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần theo Dự thảo Bảng giá đất mới tại TP. HCM

Lê Sáng | 09:07 05/09/2024

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng nếu tính theo giá đất tại Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh đang được xây dựng thì sẽ có đến 4 trường hợp có thể phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần khi thực hiện các thủ tục về đất đai.

4 trường hợp có thể phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần theo Dự thảo Bảng giá đất mới tại TP. HCM
TP. HCM đang dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh với mức tăng đáng kể so với Bảng giá đất hiện hành.

Nhận xét về Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh mà Sở TN&MT TP. HCM đang lấy ý kiến, HoREA cho rằng Dự thảo nhằm mục đích áp dụng cho 11 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024, trong đó có trường hợp “tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân”, nên việc sớm ban hành “Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh” còn giúp tháo gỡ ách tắc cho nhiều hồ sơ đã nộp tại Cơ quan Thuế từ ngày 01/08/2024 đến nay.

Tuy nhiên, theo HoREA, Dự thảo khi xây dựng cần bảo đảm công bằng cho các cá nhân, hộ gia đình nộp tiền sử dụng đất từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/12/2025 cũng sẽ tương đương hoặc nếu có cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất trong 07 tháng đầu năm 2024.

Do theo Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh, giá đất tại nhiều vị trí tại TP. HCM tăng lên gấp nhiều lần, do đó, HoREA lo ngại những cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai có thể phải thực hiện các nghĩa cụ tài chính liên quan tăng lên gấp nhiều lần.

Cụ thể, HoREA nêu ra 4 trường hợp gồm:

Thứ nhất là người chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với hơn 8.000 thửa đất trên địa bàn thành phố.

Thứ hai, trường hợp người có nhu cầu xin tách thửa đất đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để chia cho con cháu.

Thứ ba, trường hợp người xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất nông nghiệp gắn liền với nhà ở trong cùng thửa đất nằm xen kẽ trong khu dân cư ổn định, mà phần đất có nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận, đối với phần đất còn lại này tuy được xác định là “đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày” nhưng thực chất là sân nhà, không còn chức năng sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, trường hợp người có nhà, đất nằm trong các khu vực bị “quy hoạch treo”, “dự án treo”, điển hình như “quy hoạch khu dân cư xây dựng mới” hoặc “quy hoạch khu dân cư chỉnh trang” hoặc “dự án Bình Quới Thanh Đa” đã bị thiệt thòi, thiệt hại rất lớn trong nhiều năm qua.

Từ những lo ngại nêu trên, HoREA đề xuất “phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo hướng lấy giá bồi thường thực tế tại các tuyến đường đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “làm chuẩn” và áp dụng “phương pháp so sánh” để xác định giá đất của các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực hoặc giữa các khu vực trên địa bàn từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức, để bảo đảm công bằng cho các cá nhân, hộ gia đình sẽ nộp tiền sử dụng đất từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/12/2025 cũng sẽ nộp tương đương hoặc nếu có cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất trong 07 tháng đầu năm 2024.

Liên quan đến vấn đề giá đất, mới đây, thông tin về các thông tin xoay quanh bảng giá điều chỉnh đang lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, theo bảng giá đất điều chỉnh, đất nông nghiệp tăng bình quân 11-14 lần, đất ở tăng 4-5 lần, giúp kéo giảm chênh lệch khi chuyển mục đích sử dụng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đất nông nghiệp ở TP HCM theo bảng giá điều chỉnh tăng cao hơn nhiều. Theo Quyết định 02, tùy vị trí, mỗi m2 đất nông nghiệp ở các quận huyện có giá thấp nhất 86.400 đồng đến 300.000 đồng thì giờ đây tăng vài triệu đồng mỗi m2. Mức độ tăng bình quân từ 11-14 lần.

Cụ thể, tại TP Thủ Đức, mỗi m2 giá đất nông nghiệp theo bảng điều chỉnh tăng từ 4,5-6,7 triệu đồng, mức độ tăng 20,3-30,6 lần. 8 quận còn lại gồm 12, 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, mỗi m2 đất nông nghiệp theo bảng giá mới từ 5,5-9,9 triệu, mức độ tăng 33-35 lần,…

Sở TN&MT TP. HCM cho rằng khi sở hữu đất nông nghiệp và muốn chuyển mục đích sang đất ở, người dân phải nộp tiền sử dụng đất là khoảng chênh lệch giữa giá đất của mục đích sử dụng đất sau (đất ở) trừ đi giá đất của mục đích sử dụng đất trước (đất nông nghiệp). Với Bảng giá đất điều chỉnh, giá đất nông nghiệp có tỷ lệ tăng bình quân cao hơn (11-14 lần) so với tỷ lệ tăng giá của đất ở (4-5 lần), do đó, số tiền người dân phải nộp sẽ giảm dần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
4 trường hợp có thể phải nộp tiền sử dụng đất cao gấp nhiều lần theo Dự thảo Bảng giá đất mới tại TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO