Nhiều cơ hội cho bất động sản khu công nghiệp
Một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí kinh tế Việt Nam cho biết sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hậu Covid-19, bất động sản khu công nghiệp liên tục thụ hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn ở Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao (Phú Thọ), hiện 30% diện tích đất đã có hợp đồng nguyên tắc giữ đất nhưng từ đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã liên hệ và bày tỏ mong muốn được đầu tư vào cụm công nghiệp.
Hay Công ty TNHH Vina CPK – nhà đầu tư đến từ Singapore đang đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện II (Vĩnh Phúc), cho biết phần diện tích 204 ha đất khu công nghiệp mà công ty đang khai thác đã được lấp đầy bởi 67 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Mỹ và Thụy Điển. Vì vậy, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch triển khai đầu tư 104 ha đất còn lại để đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà máy từ nhà đầu tư nước ngoài
Theo nhiều chuyên gia, khi làn sóng dịch chuyển FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn tích cực, nhiều nhà đầu tư đã có động thái mở rộng khu công nghiệp. Các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore... vẫn gia tăng các chuyến đi/đến Việt Nam để tìm mặt bằng mở nhà máy nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, sau giai đoạn giảm xuống vì Covid-19, xu hướng tìm kiếm nhà xưởng đang có tín hiệu khởi sắc trở lại khi các cuộc trao đổi trực tuyến cũng như trực tiếp giữa nhà đầu tư ngoại với các khu công nghiệp vẫn được duy trì ổn định và thường xuyên.
Trong một sự kiện liên quan đến phát triển khu công nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước.
Nhiều địa phương tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án mới
Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đã gửi thông báo tới một số doanh nghiệp về việc mời quan tâm tài trợ ý tưởng quy lập quy hoạch phân khu xây dựng khu vực sân bay Thành Sơn. Khu vực sân bay Thành Sơn có tính chất là khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 4.466 ha nằm trên địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải và huyện Bác Ái.
Tuần qua, TP Hải Phòng đã ra thông báo mời thầu Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 lê Lai) phường Máy Chai và Cầu Tre, quận Ngô Quyền.
Theo bảng mô tả, dự án được thực hiện trên khu đất rộng gần 20 ha, gồm 10 block nhà chung cư cao 15 tầng với tổng 4.456 căn hộ. Các hạng mục đi kèm dự án gồm đường giao thông, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng, cấp điện, vườn hoa cây xanh… và kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu dân cư bên cạnh.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 4.379 tỷ đồng, ngoài ra kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính hơn 485 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày TP Hải Phòng thực hiện bàn giao đất.
Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn, các khu 1, 2, 4, 5, 6, tỷ lệ 1/2.000
Khu 1 thuộc địa giới hành chính các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình và thị trấn Sóc Sơn. Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 625 ha. Khu vực này có vai trò là trung tâm đô thị và dịch vụ thương mại nhà ở…, hướng tới trở thành trung tâm phát triển hỗn hợp của đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Ở đây sẽ xây dựng các khu trung tâm thương mại tài chính và dịch vụ, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim.
Khu 2 thuộc xã Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân với quy mô 425 ha. Đây là khu vực đô thị mới kết hợp với cải tạo chỉnh trang làng xóm hiện có, là một phần không gian của quảng trường trung tâm đô thị vệ tinh, là khu vực thương mại, dịch vụ và các chức năng công cộng. Ở khu vực này sẽ bổ sung các dịch vụ công cộng đô thị, hình thành khu công viên cây xanh thể dục thể thao trung tâm phía Tây quốc lộ 3.
Khu 4 thuộc các xã Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến với diện tích khoảng 554 ha. Khu vực có tính chất là cụm công nghiệp tập trung, gồm khu công nghiệp Nội Bài, các cụm công nghiệp CN2, CN3, khu nhà ở công nhân và công trình công cộng. Khu dân cư làng xóm được giữ lại cải tạo chỉnh trang theo hướng hiện đại hoá, phát triển ổn định, được bổ sung đủ hạ tầng cơ sở. Tại khu này sẽ xây dựng các cụm nhà máy, xí nghiệp sản xuất tập trung.
Khu 5 thuộc địa giới hành chính các xã Quang Tiến, Phù Linh, Mai Đình, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn, có quy mô đất 1.340 ha. Tại đây sẽ bổ sung các trung tâm dịch cụ công cộng đô thị, xây dựng công trình có mật độ và tầng cao hài hoà, tạo lập các không gian cây xanh công viên, mặt nước kết hợp với hành lang xanh thành phố. Đồng thời phát triển có kiểm soát các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, các khu vui chơi giải trí...
Khu 6 thuộc địa phận các xã Đông Xuân, Mai Đình, Phù Lỗ. Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 523 ha. Khu vực này sẽ có các khu chức năng công cộng, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trợ cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
TP.HCM sẽ đấu giá lại 4 lô đất ở Thủ Thiêm
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM cho biết, hiện tại các sở, ngành đang báo cáo UBND Thành phố để phê duyệt kế hoạch đấu giá lại 4 lô đất tại Thủ Thiêm, sau đó sẽ công khai tiến độ.
Trước đó, hồi tháng 12/2021, TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm với số tiền đấu giá hơn 37.000 tỷ đồng, trong đó có lô ghi nhận mức giá kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi đấu giá, cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đều bỏ cọc. Hiện các lô đất chưa có chủ mới.
Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu tháo dỡ các hạng mục sai phép tại bến thuyền du lịch Marina
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina tự tháo dỡ các hạng mục không có trong giấy phép xây dựng và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/8/2022.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó về việc kiểm điểm, chấn chỉnh đối với tập thể, cá nhân liên quan đến hoạt động và cấp phép bến thuyền du lịch của Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina.
Năm 2021, tại dự án bến du thuyền này, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ rõ Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina đã sử dụng đất và đất mặt nước để xây dựng các công trình và phục vụ sản xuất kinh doanh khi chưa hoàn thành xong thủ tục về đất đai, chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý về đất đai cho phép; tự ý san lấp mặt nước; sử dụng sai mục đích hơn 7.000 m2 đất…Năm 2021, tại dự án bến du thuyền này, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ rõ Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina đã sử dụng đất và đất mặt nước để xây dựng các công trình và phục vụ sản xuất kinh doanh khi chưa hoàn thành xong thủ tục về đất đai, chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý về đất đai cho phép; tự ý san lấp mặt nước; sử dụng sai mục đích hơn 7.000 m2 đất…