Bà Lê Thu Thủy rời ghế Tổng giám đốc SeABank

Nguyên Trang | 09:19 12/07/2022

Kể từ ngày 11/7/2022, bà Lê Thu Thủy thôi giữ chức Tổng giám Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) theo đơn từ nhiệm gửi cách đây không lâu.

Bà Lê Thu Thủy rời ghế Tổng giám đốc SeABank
Bà Lê Thu Thủy vừa từ chức Tổng giám đốc ngân hàng SeABank.

Ngân hàng SeABank vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bà Lê Thu Thuỷ thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 11/7/2022. Tuy nhiên, bà Thủy vẫn là một trong những lãnh đạo cấp cao của SeABank với tư cách Phó chủ tịch HĐQT.

Bà Lê Thu Thủy sinh năm 1983, được biết đến là con gái bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT SeABank. Trước khi đầu quân cho SeABank, bà Thủy đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế. Trong quá trình làm việc 15 năm tại SeABank, bà Thủy trải qua hầu hết vị trí công tác tại các bộ phận trong ngân hàng, sau đó được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc vào năm 2018.

Bà Thủy hiện đang là sở hữu hơn 2% vốn điều kệ của ngân hàng SeABank với gần 40 triệu cổ phiếu SSB.

Vị cựu Tổng giám đốc này từ chức trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của SeABank trong quý I/2022 khi nợ xấu tăng mạnh và tiền gửi của khách hàng sụt giảm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, SeABank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 1.565 tỷ đồng.

Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 208,7% lần đạt mức 279 tỷ đồng nhờ được hoàn nhập dự phòng rủi ro. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 123% lên hơn 274 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của SeABank trong quý I/2022 đạt 145 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 6,6 tỷ đồng.

h2.jpg

Nợ xấu của SeABank trong quý I/2022 tăng mạnh trong khi tiền gửi khách hàng lại sụt giảm.

Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của SeABank lao dốc mạnh 84% về vỏn vẹn 12 tỷ đồng; hay lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 5% về mức 47 tỷ đồng.

Nhờ vậy, SeAbank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh 95%, lên gần 1.665 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý I/2022 SeABank phải trích hơn 358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 130% lần cùng kỳ.

Do đó, SeABank vẫn đạt 1.306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 87% so cùng kỳ và đạt 27% kế hoạch cả năm (4.867 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của SeABank tăng 9% so với đầu năm, lên mức 231.222 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 87% về còn 621 tỷ đồng, tiền gửi tại các TCTD khác tăng 29% lên 45.515 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng khá 14% khi đạt 145.836 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm tiền gửi khách hàng của SeABank lại giảm 3% về mức 106.116 tỷ đồng, chủ yếu do giảm tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ký quỹ.

Đồng thời, tổng nợ xấu của SeABank bất ngờ tăng 14%, lên mức 2.392 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 57% khi chiếm 541 tỷ đồng, còn nợ có khả năng mất vốn vẫn tương đương đầu kỳ với 1.447 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của SeABank lại giảm từ mức 1.65% đầu năm xuống còn 1.64%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bà Lê Thu Thủy rời ghế Tổng giám đốc SeABank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO