“Áp lực lạm phát năm 2024 còn rất lớn”

Phạm Minh | 07:59 30/12/2023

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.

“Áp lực lạm phát năm 2024 còn rất lớn”
Áp lực lạm phát 2024 còn rất lớn. (Ảnh: Int)

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Lạm phát bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2023 tăng 3,98% so với tháng trước; tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 4,16%.

Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng giảm khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.426 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 1,86%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng 3,14% so với năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,88%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 9,59%.Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 0,94%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,12%; dùng cho xây dựng tăng 0,05%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa năm 2023 giảm 0,53% so với năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 4,73%; TOT tăng 4,41%.

Theo TCTK, năm 2024 áp lực lạm phát vẫn khá lớn, một số yếu tố ảnh hưởng đến như: Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó một số các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI. EVN có thế tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Hơn nữa, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.

Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.

Để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị Nga - Ucraina khó lường, phức tạp.

Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiềm soát lạm phát…

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Áp lực lạm phát năm 2024 còn rất lớn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO