Nhân dịp xuân Quý Mão, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô. Trong đó, thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai. Đây sẽ là cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn khó khăn.
Khu vực Hoà Lạc là đô thị lớn và hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Khu vực này nằm trong địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Thạch Thất, 6 xã thuộc huyện Quốc Oai và một phần xã Cổ Đông của thị xã Sơn Tây với tổng diện tích gần 173 km2. Đến năm 2030, dân số Hòa Lạc có thể đạt tối đa khoảng 600.000 người, tỷ lệ dân số đô thị ước tính khoảng 85%.
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc được quy hoạch thành 6 phân khu. Trong đó, 2 phân khu quan trọng, cốt lõi gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được thành lập năm 1998, nằm ở hai phía của Đại lộ Thăng Long trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất. Nơi đây có diện tích khoảng 16 km2. Tính đến đầu năm 2022, khu công nghệ cao Hoà Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng, tính ra trung bình mỗi ha được đầu tư gần 60 tỷ. Trọng tâm phát triển của khu CNC Hòa Lạc là các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, sinh học, chế tạo máy, vật liệu mới.
Khu CNC Hòa Lạc bao gồm 8 khu chức năng. Nơi đây được trang bị hệ thống hạ tầng hiện đại, tiêu chuẩn cao và đồng bộ theo xu hướng khu đô thị mở, xanh và phát triển bền vững. Khu CNC Hòa Lạc được kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam trong tương lai, một thành phố khoa học và công nghệ sinh thái thông minh. Hiện tại, đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có giá trị hàng tỷ USD như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Tập đoàn Hanwha Aero (Hàn Quốc).
Khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 60.000 sinh viên, học sinh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Với quy mô sử dụng đất khoảng 11,4 km2, đây hiện là đại học rộng nhất Việt Nam.
Được phê duyệt từ năm 2015, khu đô thị vệ tinh (ĐTVT) Xuân Mai nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, cách trung tâm thành phố gần 40 km. Nơi đây bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Xuân Mai và 4 xã: Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ).
Khu đô thị vệ tinh Xuân Mai có diện tích quy hoạch khoảng 65,4 km2. Tổng dân số đến năm 2030 khoảng 220.000 người. Nơi đây có chức năng là đô thị dịch vụ - công nghiệp. Khi hình thành, khu đô thị vệ tinh này được kỳ vọng sẽ đưa các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp di dời, giảm tải được dân số trong nội đô. Được ưu tiên để phát triển đa dạng các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong tương lai, Xuân Mai được coi là động lực phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp chính đối với cả cụm đô thị vệ tinh Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây.
Nằm tại huyện Chương Mỹ, nơi được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề”, Xuân Mai cũng có nhiều triển vọng để phát triển các làng nghề truyền thống như: mây tre đan, điêu khắc, thêu ren… Bên cạnh đó, tại một số thôn xã, người dân cũng đang tích cực triển khai mô hình trồng bưởi diễn theo phương pháp hữu cơ và VietGap để phát triển thương hiệu bưởi Nam Phương Tiến, vựa bưởi mới của Thủ đô đến đông đảo người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Đây cũng là nơi mà nhiều nhà đầu tư hướng tới. Hiện tại, trên địa bàn đã có nhiều dự án khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, sân golf đang dần được triển khai. Trong ảnh là sân golf Sky Lake. Ảnh: Sky Lake Resort & Golf Club.
Sở hữu diện tích đất tự nhiên tương đối rộng cùng địa hình thuận lợi, nằm trên chuỗi du lịch từ Sơn Tây - Ba Vì đến Hương Sơn - Quan Sơn, Xuân Mai có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm như: bay dù lượn tại đồi Bù, khu du lịch dã ngoại Đồng Chanh…