"An toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng là trọng tâm điều hành"

Hà Lâm | 00:04 24/01/2023

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm trong điều hành là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

"An toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng là trọng tâm điều hành"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động trước các biến động phức tạp của thị trường thế giới và phù hợp với thực tiễn trong nước, qua đó góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo tốt; thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến tích cực hơn, tâm lý thị trường ổn định.

THANH KHOẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VẪN TỐT

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: Xét về bình diện toàn hệ thống, thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn tốt và có dư thừa. Trong thời gian qua, thị trường chủ yếu chịu tác động của yếu tố tâm lý và những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới.

Trước tình hình đó, NHNN đã nhanh chóng, kịp thời thực hiện vai trò điều tiết của mình thông qua triển khai các công cụ, giải pháp để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Hiện nay, các ngân hàng đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó trước các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, các ngân hàng cũng thấy rằng cần rà soát, đánh giá một cách thận trọng hơn để chủ động có các giải pháp cải thiện, đảm bảo an toàn, vững chắc hệ thống.

Với vai trò điều hành của mình, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm.

Hệ thống ngân hàng là huyết mạch trung chuyển vốn và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế. Bởi vậy, hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

CHỦ ĐỘNG TRONG TRƯỜNG HỢP NỢ XẤU

Nói về việc nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong chỉ đạo điều hành NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu. Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên khoản nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Trên thực tế có thể nói, áp lực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối không chỉ là áp lực đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế và thị trường tiền tệ Việt Nam là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta phải chủ động tâm thế để ứng phó với các diễn biến đó.

MỞ RỘNG TÍN DỤNG PHẢI ĐI ĐÔI VỚI AN TOÀN, HIỆU QUẢ

Nói về tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi có rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường có giá trị lớn, kỳ hạn dài, trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Đó là lý do NHNN có những quy định để kiểm soát rủi ro và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.

HÓA GIẢI CÁC ÁP LỰC

Theo lời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều quan trọng đối với NHNN cũng như các bộ, ngành là cần phải tăng cường công tác dự báo, phân tích tình hình, liên tục cập nhật diễn biến mới để chủ động đưa ra các giải pháp điều hành. Khi điều hành cần phải phối hợp tổng thể các chính sách kinh tế vĩ mô, không chỉ riêng chính sách tiền tệ.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó sẽ giúp giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó các giải pháp của Chính phủ về tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu, thu hút các dòng vốn… cũng giúp cải thiện cung cầu của thị trường ngoại tệ cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá.

Trên thực tế, trong những năm qua, có thời điểm thị trường ngoại hối biến động, NHNN đã phải can thiệp với số lượng lớn ngoại tệ nhưng sau đó đã quay trở lại mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Mặc dù thị trường chịu áp lực và biến động mạnh nhưng đó là bối cảnh chung của tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới NHNN sẽ chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra các giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng, thời điểm hợp lý. Sự phù hợp ở đây không chỉ là với xu thế của thế giới mà còn phù hợp với thực tiễn và đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
"An toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng là trọng tâm điều hành"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO