5 giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp

TS. Cấn Văn Lực | 10:40 13/02/2024

“Với những nỗ lực liên tục của UBCKNN, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ vừa qua, những hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn sẽ từng bước được tháo gỡ, khắc phục để thị trường này sớm thực sự trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế…”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã nhận định như vậy trong bài viết của mình.

5 giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

MarketTimes xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của TS. Cấn Văn Lực về những nhóm giải pháp để phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang từng bước phục hồi khi niềm tin của nhà đầu tư đang trở lại dù vẫn còn những rào cản nhất định. Thời gian tới, để thị trường TPDN phát triển bền vững, ổn định, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể nghiên cứu, xem xét thực thi 5 nhóm giải pháp:

Nhóm giải pháp thứ nhất, tất cả các bên liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Những bài học kinh nghiệm đó là cơ sở để sau này thị trường ổn định và phát triển.

a1-ok.png
Nguồn: FiinRatings

Theo đó, chúng ta cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. Cụ thể, khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ hết hiệu lực và quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP thì 3 điều kiện, điều khoản mà Nghị định số 08/2023/NĐ- CP cho phép giãn, hoãn về xếp hạng tín nhiệm, điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp và giãn hoãn trái phiếu sẽ áp dụng như thế nào?

Việc áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là cần thiết nhưng cần có lộ trình và cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi 3 điều kiện, trong đó điều kiện về thời gian chào bán vẫn 60 ngày là không có ảnh hưởng nhưng quan trọng nhất là điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cần cân nhắc thời gian cụ thể hơn, có gia hạn không, gia hạn như thế nào? Nếu chúng ta muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết thì sẽ áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Nghị định số 65/2022/ NĐ-CP.

Bên cạnh đó, quy định về xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp với đơn vị phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn. Hiện nay, cả nước mới có 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu và quan trọng hơn là văn hoá, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được.

Do đó, cần cân nhắc lộ trình thích hợp quy định về xếp hạng tín nhiệm và đặc biệt cần phân nhóm theo hướng nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ hai là họ được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.

a2-ok.jpg
Nguồn: FiinRatings

Nhóm giải pháp thứ hai rất quan trọng là đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi trái phiếu doanh nghiệp còn trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội thì hầu như vẫn chưa được nhắc đến.

Theo đó, chúng ta cần nhân cơ hội này thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu. Ví dụ như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa qua đã phát hành rất thành công trái phiếu xanh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Nhóm giải pháp thứ ba là cần đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hiện nay, nhà đầu tư tổ chức chưa có nhiều, chúng ta cần thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng như quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… đây là cách chúng ta thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư.

a3-ok.png

Nhóm giải pháp thứ tư là cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu, đây là hồn cốt vô cùng quan trọng để chúng ta phát triển thị trường này. Đặc biệt, quan trọng hơn nữa là cần đơn giản hoá quy trình thủ tục phát hành ra công chúng.

Hiện nay rõ ràng các thủ tục liên quan còn khá phức tạp, thời gian phê duyệt hơi lâu nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng, do đó, cần sớm có cơ chế để kích thích sự phát triển của phương thức này.

Nhóm giải pháp thứ năm, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thì giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhân sự phục vụ công tác này là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế để có những công cụ quy định pháp lý thực sự hiệu quả trong việc định hướng phát triển, quản lý, giám sát lĩnh vực này cũng rất cần thiết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
5 giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO