Quốc lộ 13 là cửa ngõ chính phía Đông Bắc Tp.HCM, kết nối qua Bình Dương, Bình Phước, nhưng nhiều năm qua là điểm nghẽn vì đường nhỏ hẹp chỉ 6 làn xe, đi qua khu dân cư, thường xuyên ùn tắc.
Việc mở rộng đoạn Quốc lộ 13 đã được Tp.HCM lên kế hoạch cách đây hơn 20 năm nhưng do vướng cơ chế, thiếu vốn nên chưa thể triển khai.
Sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu, tháng 9/2023, HĐND Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức này.
Theo đó, Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương (thuộc địa bàn TP Thủ Đức) dài gần 6km sẽ được mở rộng lên 53 - 60m, tổng vốn hơn 13.850 tỉ đồng.
Ngoài dự án trên, 4 dự án khơi thông các cửa ngõ cũng được Tp.HCM triển khai theo hình thức BOT. Cụ thể:
Quốc lộ 1 ở cửa ngõ phía Tây Tp.HCM nhiều năm nay đang là trở ngại lớn với nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế giữa thành phố và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đoạn quốc lộ tại khu vực này hiện rộng 19m, 6 làn xe, thường xuyên ùn tắc các dịp lễ, Tết khi dòng người dồn dập đổ về các tỉnh miền Tây rồi quay trở lại Tp.HCM sau kỳ nghỉ.
Để xóa nút thắt kẹt xe, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, tổng kinh phí gần 12.900 tỉ đồng.
Tại cửa ngõ phía Tây Bắc, Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1km sẽ mở rộng lên gần 40m, tổng mức đầu tư hơn 7.100 tỉ đồng.
Hai dự án khác khơi thông cửa ngõ phía Nam TPHCM là trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) dài 8km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỉ đồng.
Cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km, rộng 30 - 40m, tổng vốn đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM, thiếu vốn là trở ngại lớn nhất khiến các trục đường chính, cửa ngõ ở Tp.HCM nhiều năm qua chưa thể mở rộng như quy hoạch.
Hiện, ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư cho giao thông. Nghị quyết 98 của Quốc hội mở ra cơ hội lớn cho Tp.HCM, giúp đa dạng phương thức huy động nguồn lực đầu tư giao thông.
Qua rà soát của Sở GTVT Tp.HCM, trên địa bàn thành phố có 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai hình thức BOT theo cơ chế mới.
Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ áp dụng trong 5 năm, nên các dự án thực sự quan trọng, cấp bách, có tính tác động lớn được ưu tiên làm trước.
Sau khi HĐND Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư, UBND Tp.HCM đã ban hành chi tiết kế hoạch triển khai các dự án nhằm ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng... Tp.HCM cũng đưa ra lộ trình chi tiết kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
5 dự án BOT cửa ngõ dự kiến khởi công xây dựng từ quý 4/2025 và quý 1/2026. Dự kiến hoàn thành các công trình và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2027 đến năm 2028.
Các dự án trên khi hoàn thành ngoài khơi thông cửa ngõ, giảm áp lực giao thông nội đô còn giúp phát huy hiệu quả các công trình lớn liên kết vùng như Vành đai 3 Tp.HCM đang triển khai, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc Tp.HCM - Chơn Thành sắp đầu tư.