5 câu hỏi lớn đặt ra cho mô hình Sàn giao dịch quyền sử dụng đất

Lê Sáng | 08:55 15/08/2023

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, có đến 5 câu hỏi lớn cần trả lời để mô hình này hoạt động hiệu quả.

5 câu hỏi lớn đặt ra cho mô hình Sàn giao dịch quyền sử dụng đất
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Theo đó, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), TS. Nguyễn Văn Đính nhận định việc thành lập Sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ góp phần quản lý, giám sát một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn thị trường bất động sản thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai và đất nền dự án như hiện tại cũng như góp phần tích cực vào việc chống thất thoát thuế và vốn hóa đất đai hiệu quả.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Đính, muốn sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần phải có một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

“Việc làm này yêu cầu sự tham gia, phối hợp của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, sự tham gia ý kiến từ những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn là rất quan trọng”, Chủ tịch VARs đánh giá.

Cũng theo vị Chủ tịch VARs, để hiện thực hóa mô hình Sàn giao dịch quyền sử dụng đất, trước tiên, các bên liên quan cần trả lời được một số câu hỏi mà thực tiễn đặt ra.

Thứ nhất, việc giao dịch thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất là khuyến khích hay bắt buộc? Nếu bắt buộc liệu có ngăn trở quyền tự do kinh doanh của người dân hay không? Nếu không bắt buộc, cần xây dựng cơ chế vận hành như thế nào để khuyến khích người dân tham gia?

Thứ hai, chỉ thành lập ra sàn giao dịch quyền sử dụng đất rồi để đó tự vận hành, hay có cần gắn thêm vào hoạt động của các môi giới để đảm bảo hoạt động qua sàn được sôi nổi không? Nếu có cần kiểm soát hoạt động của các đối tượng này như thế nào để đảm bảo không gây tiêu cực, đầu cơ, lũng đoạn cho thị trường?

Thứ ba, sàn giao dịch sẽ được thành lập ở cấp nào? Chỉ trung ương hay tại từng địa phương? Nếu chỉ ở Trung Ương liệu có đảm bảo tính thuận lợi và dễ dàng tiếp cận của người dân không? Nếu tới từng địa phương thì nhân sự tại các địa phương có đảm bảo đủ người, đủ chuyên môn để vận hành không? Cơ quan nào sẽ quản lý, giám sát việc thành lập và hoạt động của các sàn này?

Thứ tư, hoạt động của sàn liệu có gì xung đột hay trùng lặp với công chứng? Sau khi giao dịch qua sàn rồi, có phải thực hiện công chứng nữa không? Hay có thể kết hợp để người dân đỡ mất thời gian đi nhiều nơi và thực hiện nhiều thủ tục?

Thứ năm, việc thành lập sàn giao dịch chắc chắn sẽ phát sinh các chi phí liên quan, bao gồm bộ máy hoạt động, chi phí cho quá trình thẩm tra, thẩm định các quyền sử dụng đất đưa vào giao dịch và rất nhiều chi phí phát sinh khác nữa.

Các chi phí này liệu có khiến giá bất động sản tăng lên do việc kết chuyển chi phí vào giá bán không? Quy định thu phí với người tham gia giao dịch (cả bên bán và bên mua) sẽ như thế nào để đảm bảo hài hòa giữa các bên?

Từ những vấn đề đặt ra như trên, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng để đảm bảo việc thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất là khả thi và thực sự tác động tích cực tới thị trường cần tìm lời giải đáp phù hợp.

“Quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành sàn giao dịch này cũng cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, đem lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan”, TS. Nguyễn Văn Đính khuyến nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
5 câu hỏi lớn đặt ra cho mô hình Sàn giao dịch quyền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO