Trong quá trình xây kênh TikTok @yourrichbff để chia sẻ về những kiến thức, bí quyết quản lý tài chính cá nhân, Vivian Tu - Cô gái kiếm được 1 triệu đô ở tuổi 27, đồng thời là tác giả cuốn sách Rich AF: The Winning Money Mindset That Will Change Your Life nhận ra rằng giới trẻ đang phải đối mặt với những vấn đề tài chính rất khác với các thế hệ trước.
Cô khẳng định tài chính cá nhân từ xưa đến nay vẫn luôn là một chủ đề bị gán mác nhạt nhẽo, khô cứng; nói chung là chẳng có gì thú vị. Vivian xây kênh TikTok @yourrichbff một phần cũng vì muốn thay đổi định kiến này.
Trong quá trình trò chuyện với những người theo dõi mình, Vivian nhận ra có 4 lời khuyên về tiền bạc đã lỗi thời, mà thế hệ GenZ không còn muốn nghe theo nữa.
1 - Kiếm thêm công việc thứ 2 để có tiền trả nợ
Các thế hệ trước có vẻ đã quên mất một sự thật rằng chi phí sinh hoạt hiện nay của GenZ đang “tăng theo cấp số nhân”.
“Khi bố mẹ tôi học đại học, mức học phí của họ chỉ đắt hơn 25 xu so với giá của một quả chuối. Nhưng bây giờ, để vào đại học ở tuổi 17 hoặc 18, người trẻ đóng mức học phí 6 chữ số” - Vivian Tu chia sẻ và khẳng định lời khuyên “hãy kiếm một công việc thứ hai” gần như trở nên vô nghĩa, đơn giản vì làm hai công việc không có nghĩa là họ có thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống và trả nợ.
2 - Ngừng ăn hàng để tiết kiệm tiền
Chính bản thân Vivian cũng thừa nhận rằng cô ghét phải nghe lời khuyên này từ những người khác.
"Tôi nghĩ các thế hệ trước luôn tin rằng nếu bạn làm việc chăm chỉ và sống tiết kiệm tối đa, bạn có thể nhanh chóng trở nên giàu có. Nhưng thời thế bây giờ đã thay đổi rồi!” - Vivian khẳng định.
Tương tự như lời khuyên nên kiếm thêm công việc thứ 2 để có tiền trả nợ, giới trẻ ghét bị khuyên ngừng đi ăn ngoài để tiết kiệm tiền. Họ có thể cắt giảm tiền đi ăn hàng, nhưng vẫn thích dành một khoản tiền để đi ăn với bạn bè, đơn giản giản vì họ coi đó là một cách để tận hưởng cuộc sống.
3 - Phải gắn bó cả đời với một công việc toàn thời gian
Trung thành với một công ty không còn là lựa chọn kiếm tiền an toàn của GenZ. Đây là thế hệ tiên phong trong phong trào rời bỏ công việc có mức lương không tương xứng với kỹ năng hoặc số giờ lao động. GenZ không ngại yêu cầu cấp trên phải trả thêm tiền lương, tăng thêm quyền lợi và đối xử với họ tốt hơn.
Nếu không, họ sẵn sàng nộp đơn nghỉ việc và tìm kiếm một công việc khác với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn.
"Nếu bạn làm việc tại một vị trí ở một công ty quá lâu, bạn có thể mất hàng đống tiền và quyền lợi vì sếp biết bạn sẽ không bao giờ rời đi. Bạn có thể tăng khoản tiết kiệm bằng cách thắt chặt chi tiêu, song một cách khác hiệu quả không kém là tìm công việc có mức lương cao hơn" - Vivian chia sẻ.
4 - Nợ nần là điều “xấu xí”
Khi còn nhỏ, GenZ thường được ông bà cha mẹ dạy rằng không bao giờ nên vay tiền người khác, bao gồm cả ngân hàng hay các công ty tín dụng. Và buộc phải vay, hãy trả nợ nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên khi trưởng thành, phần lớn GenZ cho rằng quan điểm này đã lỗi thời, đặc biệt là GenZ ở các nước phát triển. Nhiều người trẻ phải vay tiền từ các quỹ sinh viên để trang trải mức học phí cao.
Vivian Tu cho rằng việc vay tiền từ thẻ tín dụng có thể cản trở người trẻ hoàn thành các mục tiêu tài chính. Song ngược lại, các khoản vay thế chấp tài sản, hay vay tiền để đầu tư kinh doanh đều có lợi trong việc xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.
"Ngay cả những người giàu vẫn chấp nhận vay nợ trong thời gian ngắn hạn. Khi công ty tôi cho người nghèo vay tiền, chúng tôi gọi đó là nợ. Nhưng khi cho người giàu vay vốn, tôi gọi đó là đòn bẩy.
Vay nợ không hoàn toàn xấu, nếu bạn biết cách tận dụng chúng. Giống như tài khoản tiết kiệm hay các khoản đầu tư khác, giờ đây nợ được người trẻ xem là công cụ giúp họ xây dựng tương lai của chính họ” - Vivian khẳng định.
Theo Business Insider