Temu và Shein đang cất cánh ở Mỹ, đứng đầu danh sách các cửa hàng ứng dụng và tạo nên một ‘cơn sốt’ đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đúng vào lúc này, “cặp bài trùng” cũng đang đứng trước loạt câu hỏi, rằng bằng cách nào họ có thể duy trì mức giá thấp đến kinh ngạc và sự minh bạch với công chúng. Các nhà sản xuất thời trang nhanh lâu năm như Zara hay H&M cũng phải đối mặt với những lo ngại tương tự.
Mới đây nhất, Temu chính thức mở rộng hoạt động sang Đức, Ý, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Động thái nhanh chóng chinh phục các thị trường phương Tây diễn ra chưa đầy 1 năm sau khi ứng dụng này ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022.
Quyết định bành trướng khiến Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (USCC) lo lắng, vội thúc giục Quốc hội thắt chặt kiểm soát đối với cả Shein và Temu.
“Các nền tảng này chủ yếu dựa vào việc người tiêu dùng Mỹ tải xuống và sử dụng ứng dụng để quản lý và phân phối sản phẩm. Dẫn đầu là Shein, sau đó là Temu - công ty đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường Mỹ trong năm qua”, báo cáo nêu rõ.
Đầu tháng này, ủy ban quốc hội Mỹ còn chỉ trích Shein và Temu rằng các công ty này và một số doanh nghiệp khác tại Trung Quốc có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức, lợi dụng lỗ hổng thương mại hoặc tài sản trí tuệ.
Nicholas Kaufman, nhà phân tích chính sách của USCC lưu ý cả 2 công ty đều đạt được thành công lớn tại Mỹ. “Điều này đã khuyến khích cả các nền tảng thương mại điện tử và startup lâu đời của Trung Quốc sao chép mô hình và tạo ra nhiều thách thức đối với các quy định và nguyên tắc tiếp cận thị trường của Mỹ. Giống như Shein, thành công của Temu làm dấy lên nhiều lo ngại xoay quanh hoạt động kinh doanh của nó”.
Trả lời về vấn đề này, Shein cho biết trong một tuyên bố: “Trong hơn một thập kỷ, chúng tôi đã cung cấp cho khách hàng các sản phẩm thời trang, làm đẹp và phong cách sống với mức giá rất phải chăng, hợp pháp và hoàn toàn tôn trọng cộng đồng”.
Theo CNN, Temu và Shein đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới. Trong đó, Temu bán mọi thứ, từ hàng gia dụng, quần áo đến đồ điện tử. Nó nhanh chóng trở thành ứng dụng được tài xuống nhiều nhất ở Mỹ và vẫn đang tiếp tục mở rộng mạng lưới người dùng của mình.
Trước đó, PDD cũng sở hữu Pinduoduo, gã khổng lồ thương mại điện tử cực kỳ nổi tiếng của Trung Quốc được cho là có khả năng theo dõi người dùng. Temu không liên quan, nhưng các cáo buộc về công ty chị em đã khiến giới chức để mắt đến ứng dụng này.
Shein, được thành lập bởi doanh nhân Trung Quốc Chris Xu, cũng đạt được nhiều thành tựu. Ban đầu, nó tạo ra một lượng lớn người hâm mộ nhờ danh mục thời trang nhanh và từ đó mở rộng sang các dịch vụ khác, chẳng hạn như hàng gia dụng.
Theo CNN, Temu và Shein trông có vẻ giống nhau, nhưng thực chất lại khác về bản chất. Temu hoạt động như một cửa hàng trực tuyến, vận chuyển hàng hóa từ những người bán độc lập, trong khi Shein ủy thác hàng hóa của chính mình thông qua các nhà sản xuất hợp tác trước đó.
Đối với một số người tiêu dùng, mức giá quá thấp khiến họ quan ngại.
“Tôi nghĩ tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần được chú trọng”, Felice, một đối tác truyền thông nói, đồng thời cho biết có nguy cơ Temu phải đối mặt với sự phản đối từ người tiêu dùng Mỹ với tư cách là một doanh nghiệp xuyên biên giới. “Chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng”.
Bên cạnh đó, việc giới chức thắt chặt kiểm soát cũng khiến Temu và Shein gặp nhiều khó khăn, ngay cả khi nó đã tách biệt các mối liên hệ khỏi Trung Quốc. Tháng trước, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một số quyền hạn mới, bao gồm lệnh cấm các nhà sản xuất phần mềm có liên kết với nước ngoài.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng phổ biến của Temu trên các cửa hàng ứng dụng chính là ví dụ về cách công nghệ tiêu dùng Trung Quốc bành trướng. Sheng Lu, phó giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware, cho rằng giống như TikTok, Temu và Shein có thể sẽ sớm phải đối mặt với những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
“Họ lớn, có tầm ảnh hưởng và thu thập phần lớn dữ liệu,” ông nói.
Không dừng lại ở đó, các ứng dụng mua sắm giá rẻ còn từng gây ra nhiều tranh cãi vì không đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tại quê hương Trung Quốc, Shein được cho là đang vắt kiệt sức người lao động.
Một cuộc điều tra của Sixth Tone hồi năm 2021 cho thấy Shein đã sử dụng hàng loạt mánh khóe để đảm bảo công đoạn sản xuất quần áo nhanh hơn và rẻ hơn so với đối thủ. Hàng nghìn công nhân Trung Quốc theo đó trở thành đối tượng bị bóc lột.
Phóng viên Sixth Tone đã đến Quảng Châu - nơi sản xuất chính của Shein ở Trung Quốc - và nói chuyện với hàng chục công nhân, chủ nhà xưởng có liên quan đến chuỗi cung ứng. Cuộc điều tra làm lộ ra một mô hình giám sát lỏng lẻo và điều kiện làm việc tồi tệ đối với các công nhân.
Chủ xưởng địa phương và chuyên gia lao động cho biết các nhà xưởng này thường xuyên lách luật lao động và tiềm ẩn vô số nguy cơ cháy nổ. Nhiều người lao động còn không được ký hợp đồng chính thức.
“Hoạt động của Shein là một bước thụt lùi trong vấn đề bảo vệ quyền của người lao động. Lợi ích của người lao động đã bị Shein bỏ qua”, Huang Yan, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc nói.
Theo: CNN, Sixth Tone