Gần đây, khi thị trường có dấu hiệu ấm lên ở một số phân khúc, khu vực thì cũng là thời điểm môi giới quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, lực lượng môi giới trụ được hoặc quay lại thị trường còn khá khiêm tốn. Nhiều người vẫn tìm kiếm công việc khác thay thế khi thị trường bất động sản còn khó khăn về thanh khoản.
Kể về câu chuyện nghề của mình, anh Dũng, một môi giới đất nền tự do ngụ tại Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết, có thời điểm việc gắn bó với nghề môi giới còn là “duyên trời định”. Chuyện là, từ tháng 7/2022 đến tháng 3/2023, anh không bán được một sản phẩm nào. Suốt thời gian dài, anh liên tục đăng thông tin trên trang cá nhân, chạy quảng cáo, liên hệ khách đầu tư cũ, nhận hàng giá tốt rao bán…nhưng vẫn không bán được nền đất nào.
“Có thời điểm tôi khá nản. Vợ cũng khuyên tôi nên kiếm việc khác làm để ổn định thu nhập lo cho gia đình. Tuy vậy, gắn bó với nghề môi giới hơn 7 năm, đã yêu nghề. Bỏ cũng không đành mà trụ lại thì khó khăn tài chính quá”, anh Dũng tâm sự.
Tuy nhiên, đúng vào đầu tháng 4/2023 khi đang chuẩn bị đi làm tại một cơ sở giày da (làm giờ hành chính) do người anh họ giới thiệu thì anh Dũng chốt được một nền đất. Theo lời môi giới này, một khách đầu tư từ Q.7 gọi điện cho anh nhờ dẫn đi xem đất. Đó là nền đất anh nắm chủ tại P.Trường Thạnh, quận 9, có giá giảm 400 triệu đồng so với giá khu vực. Đây là một vị khách hàng mới, biết anh qua việc đăng tin rao bán trên trang cá nhân.
“Lúc đó, tôi nghĩ là dẫn khách đi xem còn việc chốt thì không dễ dàng. Thế nhưng, khá bất ngờ vị khách này xem đất xong là ưng ý, xuống cọc liền. Tôi vui mừng vỡ oà”, anh Dũng kể lại.
Đây cũng là giao dịch đầu tiên của anh sau hơn nửa năm trầy trật với khó khăn của thị trường bất động sản. Là giao dịch cho anh niềm tin và sự kì vọng vào nghề môi giới. Anh quyết định ở lại với nghề vì tin rằng còn “duyên”. Với giao dịch này anh có khoản hoa hồng hơn 20 triệu đồng.
Hiện tại, anh Dũng vẫn chăm chỉ đăng tin, nhận hàng ngộp và rao bán. Theo môi giới này, với nguồn hàng giá tốt từ nhà đầu tư gửi lại, hiện có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, hỏi về sản phẩm, tuy nhiên họ chưa sẵn sàng xuống tiền ngay.
Tương tự, anh H, là một môi giới tự do lâu năm tại thị trường khu Đông Tp.HCM gần đây liên tục chốt giao dịch. Trước đó, dù kiên trì trụ với nghề, nhưng anh H hoạt động cầm chừng vì thị trường khó chung. Thời gian gần đây, 1 -2 tuần anh H có thể chốt được 3-4 giao dịch. Mức hoa hồng từ các sản phẩm ngộp đã giúp anh có thu nhập ổn định trở lại sau khoảng thời gian bấp bênh.
Theo môi giới này, có thời gian bản thân cảm thấy nản với nghề vì bán mãi không được hàng. Nhiều khách đầu tư dù vẫn quan tâm đến bất động sản nhưng cố chờ giảm giá thêm mới xuống tiền. Điều này khiến nhiều môi giới vì “cơm áo gạo tiền” mà không đủ kiên trì để đi tiếp. Họ bỏ nghề, kiếm việc khác làm thay thế để có thu nhập, mặc dù vẫn khá yêu nghề. “Thời điểm này chỉ cần chốt được 1-2 giao dịch là rất mừng”, anh H cho hay.
Ghi nhận cho thấy, lĩnh vực môi giới đã có sự biến đổi mạnh trong thời gian. Các đơn vị môi giới thực hiện tái cấu trúc toàn diện. Tái cấu trúc hệ thống, ngành hàng, sản phẩm. Tạm dừng hoạt động các văn phòng, chi nhánh không hiệu quả.
Đồng thời, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự; chuyển đổi cấu trúc chi phí bằng cách tối ưu chi phí hoạt động, chuyển đổi định phí sang biến phí, dịch chuyển từ mô hình trả lương cứng cho nhân viên kinh doanh sang mô hình trả lương theo sản phẩm giao dịch thành công, phát triển mô hình cộng tác viên. Chuyển đổi mô hình kinh doanh với những giải pháp như đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối.
Thay đổi, bổ sung dòng sản phẩm kinh doanh như tập trung vào phân khúc ở thực, bất động sản cho thuê. Bổ sung thêm các dịch vụ mới: tư vấn thiết kế nội thất, quản lý tài sản, bảo hiểm,...
Ngoài ra, các sàn môi giới chuyển đổi phương thức kinh doanh từ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung quy mô lớn sang nhiều sự kiện bán hàng quy mô vừa và nhỏ. Tăng cường hoạt động liên kết, liên minh cùng làm thị trường để bán hàng.