14.000 giáo viên ở tỉnh miền núi Việt Nam khiến chuyên gia công nghệ phải thốt lên: "Thật là kinh khủng"

Thục Trinh | 10:13 06/04/2025

Tiến sĩ Trần Việt Hùng (Hùng Trần), nhà đồng sáng lập tổ chức AI for Vietnam mới đây đã có bài đăng chia sẻ sự ấn tượng của ông với việc hàng nghìn giáo viên ở Điện Biên tham gia học cách ứng dụng GenAI vào các hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.

14.000 giáo viên ở tỉnh miền núi Việt Nam khiến chuyên gia công nghệ phải thốt lên: "Thật là kinh khủng"

Cụ thể, trên trang cá nhân của mình, Tiến sĩ Trần Việt Hùng, thường được biết đến với tên Hùng Trần, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Iowa, Mỹ, một chuyên gia công nghệ, đã có bài chia sẻ: 

"Thật là kinh khủng, hơn 14.000 giáo viên trên toàn tỉnh Điện Biên tham gia chương trình Train the Trainers của STEAM FOR VIETNAM để học cách ứng dụng GenAI vào các hoạt động giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục. Chơi lớn nguyên cả hệ thống thế này thì chắc Điện Biên là địa phương đầu tiên trên toàn cầu có thể triển được. Mấy nữa mọi người thấy các thầy cô Điện Biên khủng thì đừng hỏi vì sao nha. Cả nhà cùng thả tim cổ vũ các thầy cô chiến trận Điện Biên Phủ AI nào".

Đây là một trong những điểm sáng tích cực về ứng dụng AI vào nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đó, sáng 1/3, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức khai giảng khóa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới” cho 100 cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục - đào tạo theo hình thức trực tiếp. Ngoài ra, khóa học còn có sự tham gia của hơn 480 điểm cầu là các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của khóa học là giúp cán bộ quản lý, giáo viên ứng dụng AI vào quản lý, giảng dạy và các hoạt động sư phạm, phổ cập kỹ năng AI cho giáo viên.

Phát biểu khai giảng khóa học, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô nhấn mạnh, khóa học là cơ hội quý báu để đội ngũ giáo viên tỉnh Điện Biên tiếp cận với tri thức mới, công nghệ mới, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy, đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục của tỉnh. Đây còn là bước tiến trong lộ trình chuyển đổi số của ngành giáo dục Điện Biên, từ đó cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của khóa học, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo tổ chức, quản lý tốt việc tham gia của đội ngũ giáo viên, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai mạnh mẽ ứng dụng AI vào giảng dạy, mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ để nâng cao năng lực số cho giáo viên. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục trong việc xây dựng hạ tầng số, tạo điều kiện tốt nhất cho việc ứng dụng AI trong giáo dục, đồng thời kết nối các doanh nghiệp công nghệ với ngành giáo dục để cập nhật và ứng dụng những giải pháp mới nhất.

Tổ chức STEAM for Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục tỉnh Điện Biên, hỗ trợ về chuyên môn, tài liệu, đào tạo và mở rộng các chương trình ứng dụng AI trong giảng dạy.

Sau lễ khai giảng, 100 cán bộ quản lý, giáo viên đã được các chuyên gia, giảng viên của Tổ chức STEAM for Vietnam tập huấn, hướng dẫn trực tiếp để làm nòng cốt, hỗ trợ triển khai các khóa học tiếp theo trong thời gian tới.

STEAM for Vietnam được TS Trần Việt Hùng cùng các cộng sự thành lập năm 2020, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phổ cập giáo dục STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học) cho học sinh Việt Nam. Dự án thu hút hàng nghìn học viên từ nhiều quốc gia tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí, giúp trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam những kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ số. ​

TS Trần Việt Hùng cũng là thành viên trẻ nhất trong Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. ​

Mới đây, ông và các cộng sự người Việt đang làm việc tại Thung lũng Silicon đã thành lập tổ chức "AI for Vietnam" với mục tiêu triển khai dự án ViGen - tạo ra các bộ dữ liệu tiếng Việt mã nguồn mở toàn diện và chất lượng cao, giúp AI hiểu sâu sắc các nét đặc trưng của ngôn ngữ và văn hóa Việt. Từ đó, thúc đẩy ứng dụng AI sâu rộng tại Việt Nam, tận dụng cơ hội biến AI thành công cụ để phát triển kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia.


(0) Bình luận
14.000 giáo viên ở tỉnh miền núi Việt Nam khiến chuyên gia công nghệ phải thốt lên: "Thật là kinh khủng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO