Xuất khẩu tôm giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm

Nguyên Trang | 19:09 25/03/2023

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đạt 335 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tôm giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm
Xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức, khi 2 tháng đầu năm xuất khẩu tôm chỉ đạt 335 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy xuất khẩu tôm giảm khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 2/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ.

Như vậy, lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 335 triệu USD, giảm 40%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm từ 12% - 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Đình Hòe - Phó Tổng Thư ký VASEP lý giải về sự suy giảm này do nhu cầu thị trường chững, lạm phát thế giới ở mức cao, tồn kho tại Mỹ nhiều, tiêu dùng tại EU thắt chặt do khó khăn kinh tế, và cũng bởi vì cùng thời điểm này năm ngoái, xuất khẩu tôm tăng quá mạnh (với 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ 2021).

Tuy nhiên, sang năm 2023, VASEP nhận định, xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức. Bởi năm nay hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến giảm tiếp khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn.

“Vấn đề nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các đơn vị phải xem lại xu hướng thị trường để thay đổi cơ cấu sản phẩm, thiết lập các vùng nuôi riêng để chủ động nguồn tôm và giá cả. Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và xuất khẩu sản phẩm mang tính chất đặc thù của Việt Nam, như tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh, sinh thái,...” ông Hòe nhấn mạnh.

Được biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt mức kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021. Nguyên nhân nhờ vào lượng đơn hàng gối đầu từ năm 2021 do Covid-19 bị đình lại, giá tôm tăng, cộng với nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Sang năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con, tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con. Với diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn và kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Tổng Thư ký VASEP, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải cải thiện tình hình bằng cách giảm chi phí, tập trung vào giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như tôm rừng, tôm lúa hay tôm sú với lợi thế từ thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc thị trường,… Đồng thời, khai mở thêm các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, nhằm tìm kiếm các đơn hàng mới.

Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp, mới đây VASEP đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xem xét, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%. Mục đích hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, thức ăn chăn nuôi nói chung và ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.


(0) Bình luận
Xuất khẩu tôm giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO