Đồng là kim loại được sử dụng trong mọi thứ từ dây cáp điện, ô tô điện cho đến các tòa nhà. Tồn kho trên toàn cầu đã giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu ở Trung Quốc tiếp tục tăng cao.
Hợp đồng đồng tiêu chuẩn kỳ hạn 3 tháng đang được giao dịch ở mức 9.000 USD/tấn, tăng 30% kể từ khi giảm mạnh trong 3 tháng sau khi Nga bắt đầu xảy ra xung đột với Ukraine.
Ông Kostas Bintas, Giám đốc mảng kim loại và khoáng sản tại Trafigura, công ty thương mại có trụ sở tại Singapore cho biết giá đồng có thể sẽ vượt qua mức đỉnh 10.845 USD/tấn đạt được vào tháng 3 năm 2022 và thậm chí có thể đạt 12.000 USD/tấn.
Ông Bintas cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hàng hóa của Financial Times ở Lausanne, Thụy Sĩ: “Tôi nghĩ rất có thể trong 12 tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến mức giá mới cao hơn nữa”.
Goldman Sachs dự đoán nếu nhu cầu ở Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh như hiện tại, tồn kho đồng của thế giới sẽ cạn kiệt vào quý 3 năm nay.
Cũng theo Goldman Sachs, nhu cầu đồng của Trung Quốc đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi mở cửa trở lại. Họ dự báo rằng đồng có thể đạt 10.500 USD/tấn trong thời gian tới, trước khi đạt 15.000 USD vào năm 2025.
Ông Jeffrey Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho biết: “Triển vọng tương lai là cực kỳ tích cực.”
Đồng là kim loại công nghiệp hoạt động tốt nhất trong năm nay, tăng 6% trong khi các kim loại khác như kẽm và niken giảm do thị trường tài chính suy yếu.
Đồng rất quan trọng đối với quá trình khử cacbon vì việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo đòi hỏi một lượng lớn kim loại này. Các nhà phân tích kim loại cho biết nhu cầu về đồng đã tăng tốc và được thúc đẩy bởi các chính sách công nghiệp năng lượng sạch ở Mỹ và châu Âu.
Các Giám đốc điều hành ngành khai thác cho biết ngày càng khó tăng nguồn cung đồng mới. Tỷ phú khai thác mỏ Robert Friedland nói với Financial Times rằng ông đã mất 28 năm để phát triển mỏ Kamoa-Kakula rộng lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đang tăng cường cung cấp 650.000 tấn vào cuối năm tới.
S&P Global ước tính rằng 40 triệu tấn đồng sẽ được tiêu thụ mỗi năm vào năm 2030, tăng từ mức 25 triệu tấn vào năm 2021.
Hàng tồn kho cạn kiệt có thể làm cho giá cả hàng hóa biến động và giá tăng đột ngột có thể gây ra vấn đề cho nhà sản xuất, thương nhân và người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng tình trạng thiếu đồng và giá tăng sẽ xảy ra vào cuối thập kỷ này. BHP, Công ty khai thác kim loại lớn nhất thế giới cho biết nguồn cung mới từ Peru, Chile và DRC sẽ giữ cho thị trường thặng dư trong hai đến ba năm tới.
Ông Marc Bailey, Giám đốc điều hành của Sucden Financial - Công ty môi giới hàng hóa có trụ sở tại London cho rằng dự kiến dự trữ đồng sẽ phục hồi trong năm nay khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng vai trò của đồng trong việc khử cacbon cho nền kinh tế cùng với những khó khăn trong việc phát triển các mỏ mới có nghĩa là giá kim loại đỏ này chắc chắn sẽ sớm tăng cao hơn.
Tham khảo: FT