Xuất khẩu “hạt ngọc trời” liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu gạo Việt mạnh nhất trong nửa đầu năm, xuất khẩu tăng hơn 6.000%

Như Quỳnh | 06:38 15/07/2023

Quốc gia này đứng đầu về mức tăng trưởng nhập khẩu gạo Việt với mức tăng 6.350%.

Xuất khẩu “hạt ngọc trời” liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu gạo Việt mạnh nhất trong nửa đầu năm, xuất khẩu tăng hơn 6.000%
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 6 đạt 617.998 tấn, đạt kim ngạch 340,77 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về kim ngạch so với tháng trước đó. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 6 đạt 550 USD/tấn, tăng nhẹ 2,3% về giá so với tháng 5/2023.

Tính đến hết tháng 6/2023, lượng gạo xuất khẩu của cả nước chính thức vượt mức 4 triệu tấn, đạt hơn 4,24 triệu tấn với kim ngạch 2,26 tỷ USD, tăng mạnh 21% về khối lượng và tăng 32% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 532 USD/tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về các thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, quốc gia này đã chi hơn 857 triệu USD để nhập khẩu gần 1,7 triệu tấn gạo Việt, tăng 4,5% về lượng và tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Quốc gia này chiếm tỷ trọng 40% về lượng và 38% về trị giá trong tổng sản lượng xuất khẩu và kim ngạch của gạo Việt Nam.

Tuy nhiên một quốc gia châu Âu đang nổi lên trong thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đứng đầu về các thị trường tăng trưởng nhập khẩu gạo Việt Nam với mức tăng trưởng 4 chữ số kể từ đầu năm đến nay.

137c1.png

Kết thúc tháng 6/2023, quốc gia này chi hơn 6,1 triệu USD nhập khẩu gạo Việt Nam với khối lượng 9.569 tấn, tăng mạnh 5.562% về lượng và tăng 6.350% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 do giá gạo xuất khẩu tăng vọt. Mặc dù sở hữu mức tăng mạnh nhất tuy nhiên quốc gia này chỉ chiếm rất nhỏ so với tổng lượng và kim ngạch của Việt Nam với tỷ trọng chưa đến 1%.

Sau trận động đất vào đầu năm nay khiến cho sản xuất và kinh doanh bị tàn phá nặng nề, Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng để tái thiết đất nước, trong đó có sắt thép và gạo của Việt Nam với lượng nhập khẩu 2 mặt hàng này đều tăng vọt kể từ đầu năm đến nay.

Thời gian qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính thúc đẩy giá gạo tăng trong thời gian tới là do các yếu tố như xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc cùng với điều kiện thời tiết cực đoan đã thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường dự dữ lương thực, trong đó thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, gồm Phillipines, Trung Quốc và Indonesia.

Nhu cầu gạo trên thị trường quốc tế vẫn đang ở mức cao khi nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia phải tăng cường kho dự trữ quốc gia. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định lực cầu của thế giới năm nay rất lớn, xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.


(0) Bình luận
Xuất khẩu “hạt ngọc trời” liên tục lập đỉnh, lộ diện quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu gạo Việt mạnh nhất trong nửa đầu năm, xuất khẩu tăng hơn 6.000%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO