Theo khảo sát của MarketTimes, giá tiêu đầu tuần này không có biến động mới so với cuối tuần trước.
Hai tỉnh Đồng Nai và Gia Lai đang có mức giá thấp nhất là 77.500 đồng/kg. Cao hơn là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với chung mức 78.500 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu được duy trì lần lượt tại mức 79.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg.
Giá tiêu tuần qua (từ 21/3-25/3) có xu hướng đi xuống tại các tỉnh trọng điểm trong nước. Trong 2 ngày cuối tuần (26/3 và 27/3) giá tiêu không có biến động mới. So với đầu tuần, giá thu mua giảm 1.000 đồng/kg.
Dự báo, giá tiêu tuần này có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ do hiện nay các địa phương đang bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch vụ, nên các nhà nhập khẩu muốn chờ đợi nguồn cung dồi dào.
Xu hướng giảm giá hồ tiêu trên toàn cầu hiện nay được dự báo sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi chi phí sản xuất, từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao, đẩy giá thành sản xuất lên theo.
Tuy nhiên, với mức giá tiêu như hiện tại, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cảnh báo nông dân chỉ có lợi nhuận khi sử dụng lao động gia đình. Chi phí nhân công tính theo ngày dao động ở mức cao trung bình 220.000-250.000 đồng/ngày/công, tính theo khoán từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tiêu tươi.
Mặc dù giá công cao và cao hơn năm ngoái nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu công. Điều này khiến nông dân lo lắng khi lượng tiêu đã chín nhưng không được thu hái kịp sẽ ảnh hưởng đến vụ tiêu năm sau.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vụ mùa hạt tiêu năm nay bị mất mùa do thời tiết không thuận lợi, dẫn đến nguồn cung giảm.
Dự kiến vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay ở Việt Nam sẽ kết thúc vào giữa tháng 4/2022. Càng gần về cuối vụ, thông tin những vùng tiêu bị giảm sản lượng ngày càng nhiều.
Nhiều địa phương khuyến cáo bà con nông dân không nên phát triển mới diện tích hồ tiêu, mà tập trung đầu tư chăm sóc các diện tích hiện có, chủ động chăm sóc theo hướng hữu cơ để hạn chế rủi ro tình trạng được mùa, mất giá.