Xây đường sắt chạy xuyên sa mạc, Trung Quốc tiếp tục đạt được những thành tựu "khủng" về cơ sở hạ tầng

Minh Phương | 20:14 07/04/2023

Giữa sa mạc vô tận, một đoàn tàu chạy dọc theo đoạn đường ray trên cao khi cát bụi bay mù bên dưới.

Xây đường sắt chạy xuyên sa mạc, Trung Quốc tiếp tục đạt được những thành tựu "khủng" về cơ sở hạ tầng

Một tuyến đường sắt dài 825 km từ Hoà Điền đến Nhược Khương đã đi vào hoạt động. Đây là một phần của tuyến đường sắt đầu tiên trên thế giới vòng quanh sa mạc Taklimakan rộng lớn.

Taklamakan có diện tích nhỏ hơn một chút so với nước Đức và là sa mạc cát dịch chuyển lớn thứ hai trên thế giới. 65% tuyến đường sắt Hoà Điền – Nhược Khương có chiều dài 534 km phải đối mặt với các mối đe doạ của gió và cát. Vậy nên, các kỹ sư đã phải chiến đấu với những vấn đề này kể từ khi bắt đầu xây dựng vào tháng 12 năm 2018.

Trong 3 năm đầu tiên xây dựng, các công nhân xây dựng đã vượt qua 460 km khu vực không có người ở, nơi không có nước, điện hoặc tín hiệu điện thoại di động, bất chấp cát lún, bão cát, nhiệt độ cực nóng và cả nhiệt độ đóng băng.

Người ta đã phải tạo ra 50 triệu mét vuông lưới cỏ và trồng 13 triệu loại cây ưa cát như hắc mai biển để bảo vệ tuyến đường sắt. Chính những nỗ lực miệt mài của họ đã tạo nên kỳ tích kỹ thuật phi thường này.

Tuy nhiên, tuyến đường sắt có nhiều ý nghĩa hơn là một công trình kỳ công.

7-4-1.jpg

Ảnh: Railway Gazette

Do điều kiện tự nhiên, nhiều nơi dọc theo tuyến đường trước đây không được kết nối với mạng lưới đường sắt, người dân địa phương phải băng qua dãy núi Thiên Sơn nếu muốn ra khỏi Tân Cương.

Các mặt hàng đặc sản chất lượng cao như bông, chà là mặc dù được sản xuất với số lượng lớn nhưng không thể tiếp cận thị trường do kết nối giao thông kém. Với môi trường sinh thái khắc nghiệt và nền tảng kinh tế yếu kém, 4 trong số 5 quận có các nhà ga dọc theo đường sắt Hoà Điền – Nhược Khương từng ở trong tình trạng nghèo đói nghiêm trọng.

Trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt, người dân nghèo khó được tuyển dụng để giúp tăng thu nhập. Sau khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, 2 chuyến tàu khách được bố trí mỗi ngày để thuận tiện cho người dân các dân tộc thiểu số đi lại. Trong khi đó, 8 chuyến tàu chở hàng chạy hàng ngày vận chuyển các đặc sản địa phương như bông, quả óc chó, chà là đỏ và khoáng chất ra khỏi Tân Cương.

Có thể nói, đường sắt đã mang lại sự sống cho sa mạc.

Chuyên gia về giao thông công cộng và là giáo sư Đại học Đồng Tế Thượng Hải là Sun Zhang nói rằng sự phát triển của tuyến đường sắt đối với sự phát triển kinh tế khu vực sẽ không được đo lường bằng phép cộng mà bằng phép nhân.

Đường sắt và đường cao tốc là điểm nổi bật của Tân Cương. Tuyến đường sắt Lan Châu-Tân Cương nối liền vùng đất rộng lớn và cảnh quan vạn hoa đã cho phép dầu thô, bông và các tài nguyên khác từ Tân Cương được vận chuyển đến các vùng khác của đất nước.

Đường cao tốc Duku được mệnh danh là " con đường đẹp nhất Trung Quốc" đã thúc đẩy sự phát triển của các nguồn tài nguyên như than đá và gỗ. Việc mở và vận hành các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - Châu Âu cũng đã mở rộng thị trường ngoại thương của Tân Cương.

Với việc tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan (CKU) đang có dấu hiệu khởi công tích cực sau nhiều năm trì hoãn. Tuyến đường sắt CKU có khả năng là tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Châu Âu và Trung Đông, cắt giảm 900 km hành trình và tiết kiệm thời gian di chuyển từ 7 đến 8 ngày.

Tính đến cuối năm 2021, tổng chiều dài hoạt động của các tuyến đường sắt trên khắp Trung Quốc đã vượt quá 150.000 km, bao gồm hơn 40.000 km đường sắt cao tốc.

Tổng hợp


(0) Bình luận
Xây đường sắt chạy xuyên sa mạc, Trung Quốc tiếp tục đạt được những thành tựu "khủng" về cơ sở hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO