Xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài

Theo quochoi.vn | 15:41 02/06/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình, cùng với ý kiến góp ý trực tiếp của đại biểu Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết Kỳ họp sẽ hoàn chỉnh các nội dung kèm theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 16/6/2022 theo Chương trình Kỳ họp.

Xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài
Phiên họp ngày 2/6.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 2/6/2022 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm 2022-2023 triển khai còn chậm, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, lạm phát tiếp tục tăng cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới suy giảm đáng kể, thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ cổ phần hóa đạt thấp, phân bổ, giao dự toán chi chậm. Những hạn chế trong giám sát, quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và vấn đề việc làm trẻ em.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm:

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ phấn khởi trước ghi nhận của đại biểu Quốc hội về những kết quả đạt được, sự ủng hộ, tán thành của đại biểu đối với các giải pháp trong thời gian tới mà Chính phủ đã đề ra; đồng thời các đại biểu cũng đã cho ý kiến sâu sắc, trách nhiệm,về những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, lưu ý, tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ thêm, việc sớm ban hành chương trình này có được là nhờ từ sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm, tổ chức nhiều phiên họp làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, Chương trình nhận được sự đồng thuận cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và quyết tâm chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Đến nay về nhiệm vụ xây dựng chính sách cơ chế, đã ban hành 11 văn bản trong tổng số 14 văn bản theo kế hoạch. Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do đây Chương trình chính sách phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều cơ quan. Trước những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, các cơ quan cũng đã có sự cần thận trọng. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ mới chưa có trong kế hoạch dài hạn, nên nhiều công việc chưa được chủ động. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này.

Phân tích việc tiến độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, một phần đã mua vaccine và trang thiết bị y tế. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, do đó việc sử dụng này tùy theo tình hình sắp tới xảy ra, nếu cần có thể chi và sử dụng ngay. Một phần khác là khoản miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43/2022/QH15 ra đời, với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định giảm thuế VAT từ tháng 2/2022 với từ 10% xuống còn 8%, thực hiện trong năm 2022. Chính sách này đã làm rất nhanh và hiện vẫn đang triển khai.

Một phần của gói hỗ trợ là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách với 5 chương trình. Cơ bản các cơ chế, chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được gần 1/3. Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, cùng với xây dựng chính sách thì Ngân hàng chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và giải ngân phù hợp và kịp thời. Một phần nữa là thực hiện giảm chi phí cơ hội, giãn tiến độ nộp thuế. Đến nay, Chính phủ đã xây dựng xong 2 nghị định vào tháng 5 có nghĩa là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế. Từ nay đến cuối năm cũng thực hiện xong, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Một phần nữa là tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà. Đối với gói này, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương chưa rõ nên triển khai này chậm. Thời gian tới, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương để thống nhất số liệu để giải ngân gói này để càng sớm càng tốt.

Một phần nữa về khoản hỗ trợ lãi suất, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm làm một cách rất chặt chẽ và hướng dẫn bằng một nghị định để quy định đầy đủ và chặt chẽ để khi thực hiện chương trình này được thông suốt và được thuận lợi. Một phần quan trọng trong gói hỗ trợ là dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên khoản này phải thực hiện theo Luật Đầu tư công nên thực hiện chậm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay cơ bản hoàn thành các chính sách. Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng với những kết quả đạt được là tiền đề rất quan trọng để gói hỗ trợ được thực hiện tốt trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thành công mục tiêu kép - Chiến thắng của một dân tộc đoàn kết, anh hùng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, đất nước gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với đại dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, từ phát triển kinh tế xã hội đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của nhân dân. Trong khi đó, hệ thống y tế của chúng ta còn hạn chế, kinh nghiệm phòng, chống dịch không nhiều, vắc xin và vật tư, trang thiết bị, thuốc men còn thiếu thốn, năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống còn bất cập. 

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, tạo điều kiện cho nền kinh tế thích nghi, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đây là chiến thắng của ý chí, của lòng quả cảm, của sự đoàn kết, nhân ái của một dân tộc anh hùng...

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia…

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trong nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các Luật, ban hành cơ chế, chính sách, quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo nhiều đổi mới quan trọng, căn bản trong lĩnh vực đầu tư công. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Việc thực hiện các các khâu trong quy trình cần tuân thủ một trật tự nhất định, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều hành, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để việc giải ngân đầu tư công có hiệu quả cao, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hội tăng cường giám sát các Bộ, ngành, các địa phương mình hơn nữa.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại với những khó khăn, thách thức, rủi ro tiềm ẩn trong những tháng còn lại có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Nhiều ý kiến đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, cơ chế để giảm bớt quá tải, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những điểm nghẽn, tận dụng cơ hội để phát triển, cụ thể đối với những vấn đề như: tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, than, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; kiểm soát lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất; quản lý kịp thời, hiệu quả thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thực sự là kênh huy động vốn đầu tư trong trung và dài hạn, hiệu quả cho doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, đồng thời nêu rõ sẽ nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng các giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm 2022 và những tháng tiếp theo, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Cần lưu ý căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng 7/12 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch năm 2021, trong đó một số chỉ tiêu cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội như chỉ số giá tiêu dùng CPI, bội chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm và nghiên cứu để ban hành các giải pháp như giảm giá xăng dầu, tăng cường hơn nữa tiết kiệm, chống lãng phí bỏ ra ngoài danh mục đầu tư công, những dự án chưa thực sự cần thiết, chậm tiến độ quá lâu và để dành những khoản tiền này hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đồng thời đẩy nhanh hơn nữa và có tiến độ cụ thể việc triển khai gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Trong thực thi công vụ, đề cập về căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, đại biểu muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này. Chỉ ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần lưu ý trong giai đoạn hiện nay phải có giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng này. Đó là sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân.

Ngoài ra, cần luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời lựa chọn đúng cán bộ từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Đề xuất tạm hoãn tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã giải trình về lộ trình tăng học phí, trong đó có 3 công văn gửi các cơ sở giáo dục thực hiện Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, trước kỳ họp, cử tri cũng phản ánh mức học phí trong Nghị định 81 cao hơn từ 3 đến 5 lần trong năm học vừa qua.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân cũng đỡ cơ cực hơn.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp để phòng, xử lý tình trạng này; tuyên truyền rộng rãi để cho người dân hiểu được những tác hại của vay nặng lãi. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục giải ngân giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng an toàn.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ, tạo sự kết nối và khai thác hiệu quả…

Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ dẫn dắt đất nước đạt được nhiều kết quả nổi bật vượt bậc về phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian qua. 

Quan tâm đến các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều kết quả to lớn, toàn diện: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, hạ tầng cơ sở, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư khá đồng bộ, các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa.. ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và vững chắc. 

Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu tỉnh Cao Bằng cho rằng, đây là Chương trình được cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển biến sâu sắc về kinh tế- xã hội, tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Cần thiết đầu tư phát triển vận tải đường thủy nội địa

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh khẳng định vận chuyển qua đường thủy có nhiều ưu điểm: Chi phí vận chuyển rẻ hơn so với đường bộ truyền thống; vận chuyển được nhiều loại hàng hóa, hàng cồng kềnh với khối lượng lớn; tuyến đường di chuyển thông thoáng, thời gian kiểm soát rút ngắn, năng lực vận chuyển cao nên hàng hóa lưu thông nhanh sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành hệ thống logistics, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu tiên để phát triển giao thông đường thủy nội địa nhằm tận dụng ưu thế, điều kiện tự nhiên của quốc gia, phát triển giao thông đường thủy phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị cần kết nối đường thủy nội địa với các cảng biển lớn của cả nước, tăng đầu tư cho cảng thủy, nội địa, cấp giấy phép cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia đăng kiểm phương tiện thủy nội địa như đường bộ, để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ rõ, Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, đề nghị đẩy nhanh triển khai các dự án cảng sông, các cầu vượt sông theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định này.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Sớm rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trước một số vấn đề nổi lên về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh quan tâm và cho ý kiến làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đai biểu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng trở thành một kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.

Nhưng cùng với sự tăng trưởng nóng là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19 nên dễ đối mặt với rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn.

Đại biểu cũng ghi nhận, ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo rủi ro. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, cơ chế chính sách của nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế như điều kiện phát hành còn lỏng lẻo; tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt. Nhiều cá nhân đầu tư chưa có được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được an toàn bền vững, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp như về điều kiện để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm, cần có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và giám sát hoạt động của các tổ chức này. Cần sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính. Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền huy động đúng mục đích.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm và khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước tình trạng liên tiếp xuất hiện những sai phạm, rủi ro tiềm ẩn và thông tin không chính xác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tâm lý gây lo lắng cho nhà đầu tư, tiềm ẩn áp lực tiêu cực cho dòng chảy vốn đầu tư xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng những vi phạm đó chỉ là cá biệt riêng lẻ và việc xử lý nghiêm minh là hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành ổn định thị trường. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng để tăng tính thanh khoản, quay vòng vốn và chia sẻ hạn chế rủi ro trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung cần phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải sớm xây dựng khung khổ pháp lý để hình thành, phát triển thị trường nợ mua bán nợ chuyên nghiệp.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Xem xét điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý để tránh phát sinh nợ xấu, có cơ chế đặc thù với nghề biển.

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Đặng Ngọc Huy khẳng định: Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nghị định 67 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, được xã hội đồng tình ủng hộ. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng lên. Đặc biệt là tàu vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại đã làm thay đổi nhận thức, tác phong làm việc của ngư dân theo hướng công nghiệp. Các mô hình tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá được hình thành đã hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Kết quả đạt được đã góp phần bảo đảm các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng lớn chủ tàu theo Nghị định 67 đang gặp khó khăn, bởi vì tàu hoạt động không hiệu quả hoặc nằm bờ, chủ tàu mất khả năng trả nợ vay. Các ngân hàng thương mại phải tiến hành các thủ tục pháp lý để chủ bán tàu, thu hồi nợ vay.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đã nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về các vấn đề và Chính phủ cần có thời gian xem xét, ban hành Nghị định mới. Tuy nhiên, hiện nay giá nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua đã tác động rất lớn đến hoạt động đánh bắt hải sản. Do đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với các chủ tàu theo Nghị định 67 và tiếp tục phát triển hoạt động khai thác thủy sản, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ hơn các vấn đề sau:

Thứ nhất, xem xét nâng thời hạn cho vay để giảm áp lực trả nợ gốc, điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý để tránh phát sinh nợ xấu, có cơ chế đặc thù với nghề biển.

Thứ hai, tiếp tục phát triển đồng bộ đội tàu dịch vụ hậu cần để hoạt động đánh bắt xa bờ để đáp ứng việc cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm thu mua hải sản cho tàu đánh bắt nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng thời gian hoạt động đánh bắt hải sản, thực hiện chuỗi liên kết, khai thác, tiêu thụ hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế biển.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến công nhân lao động

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội linh hoạt, phù hợp, nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thường mới.

Tình hình lao động việc làm có bước khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I năm 2022 giảm so với quý IV năm 2021, thu nhập người lao động bước đầu được cải thiện. Tuy nhiên, biến động của tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới, lạm phát, dịch bệnh kéo dài, vấn đề xung đột quân sự Nga-Ukraine đã đẩy giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng sản xuất. Đại biểu cho rằng, đây là các yếu tố tác động tiêu cực đất, phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp lớn đến đời sống của nhân dân, của công nhân lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Theo đại biểu, những tháng đầu năm 2022, người lao động ồ ạt đến bảo hiểm xã hội nhận bảo hiểm một lần do cuộc sống khó khăn, bấp bênh, vẫn còn những bức xúc cấp bách kéo dài chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ rệt những khó khăn, tiền lương thấp, thiếu tích lũy việc làm, thu nhập bấp bênh, nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn, an sinh, phúc lợi xã hội thiếu đảm bảo.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH An Giang: Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tại Đồng bằng sông Cửu Long

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tích cực khẩn trương xây dựng hoàn thiện các thể chế, triển khai các chính sách ưu tiên có tính chất đặc thù cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên mạnh mẽ, phát triển cùng đất nước.

Khẳng định công nghiệp chế biến đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư vào khâu chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thủy sản, đầu tư cho phát triển hệ thống logistics, nhất là những kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề bảo quản nông sản vào những thời điểm thu hoạch cao điểm.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long thông qua những việc làm cụ thể như hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo thị trường, giúp cho nông dân kịp thời điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐQBH tỉnh Bình Định: Đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường

Tranh luận với đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An về vấn đề sách tham khảo, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, đề xuất của đại biểu Thái Văn Thành là “cần nói cho người dân hiểu rằng sách tham khảo không cần mua”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, vấn đề đặt ra là nếu có bán sách tham khảo thì trong tất cả phụ huynh học sinh cũng đều sẽ mua cho con bằng bạn, bằng bè. Đại biểu nhấn mạnh, sách tham khảo này chính là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nghĩ rằng, cần hạn chế tối đa loại hình sách này. Rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, sách tham khảo chỉ dùng cho các thầy cô giáo sử dụng để phong phú bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo.

Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường. “Đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn, nhưng cách làm chưa tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Sẽ có các sản phẩm tốt và rẻ hơn và đứng vững theo thời gian, chọn cách làm tường minh và khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí, trang trọng của mình”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tăng cường công khai, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Đại biểu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tác dụng làm giảm áp lực đối với các kênh tín dụng, góp phần tài trợ vốn cho phát triển nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong trái phiếu nói riêng cũng như thị trường chứng khoán nói chung. Tuy nhiên trên thị trường trái phiếu thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật gây ra nhiều lo ngại về rủi ro cho các hà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, gây mất cân đối với nền kinh tế khi dòng vốn đi vào những thị trường rủi ro, có tính đầu cơ cao thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế để phát triển kinh tế - xã hội…

Đề xuất các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam đề nghị, cần tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hình thức giao dịch tập trung để tăng cường công khai, minh bạch cũng như tăng cường quản lý, giám sát chặt thị trường. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức phân phối bán trái phiếu doanh nghiệp để tránh những hành vi có tính chất lôi kéo, xúi giục người dân mua trái phiếu rủi ro.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ: Tập trung phát triển nguồn nhân lực, khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế cuối năm 2021 và quý I năm 2022 của đất nước. Đại biểu đánh giá cao những quyết sách đúng đắn về chiến lược tiêm vắc xin cho người dân; việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; các gói chính sách phục hồi kinh tế sớm, tạo đà tăng trưởng được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường; việc mở cửa du lịch, bỏ khai báo y tế người nhập cảnh…

Đại biểu cho biết, trong thời gian qua có nhiều quyết định quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long được Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành như Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả hạ tầng giao thông của khu vực này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có thêm các chương trình, các cơ chế chính sách phù hợp để vùng có thể khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, quan tâm về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đại biểu cho biết, theo các báo cáo của Chính phủ thì lao động qua đào tạo nói chung chỉ chiếm 65%- 66 %. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về lực lượng lực lượng lao động này thì thấy chưa phản ánh về chất lượng nguồn nhân lực; mất cân đối giữa nguồn lực, vừa thiếu, vừa thừa, trong điều kiện chuyển đổi sang công nghệ mới, công nghệ cao, chuyển đổi số công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao hơn.

Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ giao cho các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sâu về thực trạng nguồn nhân lực để xuất sắc giải pháp thay đổi phương thức đào tạo, phân loại và đánh giá trình độ người lao động, yêu cầu trình độ lao động một số lĩnh vực theo bối cảnh mới để có giải pháp kịp thời nhằm tránh nút thắt về nguồn lực nhân lực có thể xảy ra trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra khác của các cơ quan của Quốc hội về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 bước sang năm 2022, đại biểu Nguyễn Thành Trung ghi nhận, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực với sự chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch cùng với việc triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng nền kinh tế còn đối mặt với các thách thức. Đại biểu chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và việc triển khai một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 còn rất chậm nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng. Điều này làm giảm hiệu quả ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra. Cùng với đó là áp lực về lạm phát có nguy cơ tăng cao, tác động lớn đến sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung cho biết, hiện nay thế giới đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh và chính sách phòng chống COVID-19 của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID-19. Cùng với, chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch của nhiều quốc gia trên thế giới tác động chung đến tổng cầu. Do tác động đại dịch chi phí tuyển dụng lao động mới tăng cao, khiến các doanh nghiệp cũng rất là khó khăn. Xung đột địa chính trị làm cho giá dầu và giá lương thực tăng cao, chưa có xu hướng ổn định và giảm cùng với giá các nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đội lên. Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới như phân tích trên, đại biểu nhấn mạnh nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao.

Do vậy, để đảm bảo phục hồi và phát triển kinh tế ổn định, an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm người dân có thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách có hiệu quả, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường nguyên vật liệu ưu tiên việc phát triển sử dụng nguồn vật liệu trong nước để giảm thiểu tác động bởi xung đột trên thế giới và xung đột trên thế giới và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời theo dõi sát biến động giá các loại vật liệu xây dựng kịp thời, có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công khắc phục các khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều hành, điều tiết bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như là địa giá dịch vụ y tế, dịch vụ giao được giáo dục. Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ xăng dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn nhu cầu của nền kinh tế; dự báo sát tình hình để kịp thời điều hành giá một cách hợp lý. Ngoài ra, theo đại biểu cũng cần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của các cơ quan quản lý khu vực, doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân để giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2022, nhất là những tháng cuối năm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đạt được, bảo đảm duy trì bền vững nền kinh tế mở trong trạng thái bình thường. Bởi dịch bệnh Covid- 19 tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn tiềm ẩn các nguy cơ có thể phát sinh biến chủng mới và thế giới đến nay vẫn chưa thực sự an toàn. Vì vậy, phải có những giải pháp và kịch bản để ứng phó tình huống khi có biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp, dự báo các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Riêng về mặt hàng xăng dầu, cần bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng đổ với mức phù hợp để điều hành giá xăng dầu trong nước linh hoạt, có phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.

Thứ ba, đề nghị điều chỉnh linh hoạt kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành cung tiền, lãi suất, điều tiết giá cả. Bên cạnh đó cần tập trung triển khai có hiệu quả, kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chỉ số lạm phát tăng chịu ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đúng tư. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thứ 4, nguyên tắc cơ bản của việc điều tiết giá trong nền kinh tế thị trường là đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, chương trình phục hồi và phát triển xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng cùng các gói hỗ trợ năm 2021 đang thẩm thấu vào từng lĩnh vực của nền kinh tế, làm cho tổng cầu tăng đột biến. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, điều hành nguồn cung, vật tư đầu vào, kể cả hàng hóa tiêu dùng ở các vùng miền, giữa các địa phương với nhau, không để bị đứt gãy, đặc biệt chỗ cung ứng của thế giới với Việt Nam, tránh trường hợp đầu cơ, găm hàng tích trữ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO