Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay người dân Châu Âu đang đối mặt với một thực tại kinh tế mà họ chưa từng trải nghiệm suốt hàng chục năm qua, đó là họ đang ngày càng nghèo đi.
Cuộc sống từng được nhiều người ghen tị tại Châu Âu đang dần trôi vào dĩ vãng khi sức mua của người dân suy giảm. Các khách hàng ở Pháp mua ít gan ngỗng cũng như rượu vang hơn, người Tây Ban Nha thì dùng tiết kiệm dầu ô liu hơn, các hộ gia đình Phần Lan thì được khuyến khích chỉ nên xông hơi vào ngày có gió khi điện gió hoạt động tốt.
Thậm chí tại nền kinh tế lớn nhất Châu Âu là Đức, sức mua thịt và sữa đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, còn thị trường thực phẩm hữu cơ từng bùng nổ ở đây thì lao dốc không phanh.
Vào tháng 5/2023, Bộ trưởng phát triển kinh tế Italy, ông Adolfo Urso đã phải triệu tập một cuộc họp chỉ để thảo luận về giá mỳ ống, vốn là món ăn chủ đạo của người dân nước này, khi giá của mặt hàng trên đã tăng hơn gấp đôi so với mức lạm phát bình quân toàn quốc.
Tờ WSJ cho hay với sức tiêu thụ giảm mạnh như hiện nay cùng với một số dấu hiệu cho thấy Châu Âu rơi vào suy thoái từ đầu năm, đi kèm những bất ổn địa chính trị như xung đột Ukraine đang khiến người dân khu vực này dần nghèo đi so với những người bạn bên kia Đại Tây Dương.
Vì đâu nên nỗi
Sự bất ổn của nền kinh tế Châu Âu là cả một quá trình dài. Tờ WSJ nhận định dân số lão hóa nhanh chóng cùng xu hướng thích hưởng thụ, đòi hỏi thời gian rảnh khi đi làm, chính sách đảm bảo có việc làm nhưng không quan tâm đến thu nhập của chính phủ đã mở ra thời kỳ tăng trưởng kinh tế giảm tốc và năng suất lao động mờ nhạt tại Châu Âu.
Thế rồi đại dịch Covid-19 cùng cuộc xung đột Ukraine kéo dài đã khởi đầu cho hàng loạt những biến cố tại Châu Âu. Việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cùng giá năng lượng, lương thực tăng cao đã khiến vô số những điểm yếu của kinh tế Châu Âu bộc phát sau nhiều năm âm ỉ.
Theo WSJ, các chính sách hỗ trợ của Châu Âu chủ yếu nhắm đến đối tượng chủ doanh nghiệp, khiến những người tiêu dùng không có đủ tiền mặt khi hàng loạt cú sốc về giá cả, lạm phát diễn ra. Điều này trái ngược với Mỹ khi chính phủ thành công hạ nhiệt giá năng lượng và viện trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân để đảm bảo sức mua trên thị trường.
Trước đây, những cuộc khủng hoảng kinh tế ở Châu Âu thường được giải cứu bởi xuất khẩu nhưng sự phục hồi chậm chạp của thị trường Trung Quốc hậu đại dịch lại làm suy yếu chiếc phao cứu sinh này.
Tồi tệ hơn, chi phí năng lượng cao, lạm phát tràn lan chưa từng thấy kể từ năm 1970 đến nay đã làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá của các nhà xuất khẩu Châu Âu, đồng thời phá vỡ quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp với người lao động.
Khi nền thương mại toàn cầu nguội đi, ngành xuất khẩu vốn chiếm 50% GDP khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), cao hơn nhiều so với chỉ 10% GDP tại Mỹ, bất ngờ trở thành điểm yếu của nền kinh tế nơi đây.
Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy sức tiêu dùng cá nhân tại 20 nước thuộc Eurozone đã giảm 1% sau khi trừ lạm phát, trong khi tại Mỹ lại tăng gần 9% nhờ thị trường lao động ổn định và thu nhập đi lên.
Cách đây 15 năm, thị trường Châu Âu và Mỹ mỗi bên chiếm khoảng 20% tổng sức tiêu dùng toàn cầu. Thế nhưng hiện nay trong khi Mỹ tăng lên 28% thì Liên minh Châu Âu (EU) lại giảm xuống chỉ còn 18%.
Tại Đức, tiền lương bình quân của người dân sau khi điều chỉnh lạm phát và sức mua đã giảm 3% kể từ năm 2019, ở Italy và Tây Ban Nha là giảm 3,5% còn Hy Lạp là 6%. Trái ngược lại, mức lương thực tế tại Mỹ lại tăng đến 6% cùng kỳ.
Đau đớn
Theo WSJ, nỗi đau vì nghèo đi của người dân Châu Âu có thể cảm nhận rõ nhất ở tầng lớp trung lưu. Tại một trong những thành phố giàu có nhất khu vực là Brussels, rất nhiều giáo viên và y tá phải xếp hàng dài vào các buổi chiều để mua thực phẩm giảm nửa giá sắp hết hạn từ những xe tải.
“Một số khách hàng đã nói rằng nhờ có chúng tôi mà họ có thể ăn thịt 2-3 lần mỗi tuần”, anh Pierre van Hede, người phụ trách bán hàng cho Happy Hours Market, một ứng dụng chuyên bán đồ sắp hết hạn cho siêu thị, nói với WSJ.
“Bạn chắc chắn cần làm thêm để có thể đủ tiền chi trả cho mọi thứ trong tình hình lạm phát như hiện nay”, y tá Karim Bouazza cho biết khi xếp hàng mua thực phẩm nửa giá để nuôi vợ cùng 2 đứa con.
Tương tự, vô số những mảng kinh doanh tiết kiệm lương thực trở nên hút khách khi lạm phát tăng cao khiến người dân siết chặt hầu bao hơn.
Ứng dụng TooGoodToGo chuyên bán đồ thừa cho các nhà hàng và cửa hiệu đã tăng gấp 3 lần số người đăng ký sử dụng kể từ cuối năm 2020, đạt 76 triệu người dùng trên toàn Châu Âu. Chuyện tương tự cũng diễn ra với các ứng dụng bán đồ thừa như Sirplus tại Đức hay Motatos tại Thụy Điển.
Bất chấp những nỗ lực trên, các số liệu cho thấy người Đức chỉ tiêu thụ 52 kg thịt bình quân đầu người năm 2022, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1989 khi các báo cáo bắt đầu thu thập dữ liệu.
Mặc dù nhiều người cho rằng đây là ảnh hưởng từ việc lo ngại cho sức khỏe, ăn uống lành mạnh, quan tâm đến môi trường và bảo vệ động vật nhưng các chuyên gia kinh tế thì lại khẳng định nguyên nhân đến từ giá thịt đã tăng đến 30% trong những tháng vừa qua.
Bằng chứng rõ ràng nhất là người Đức đã chuyển từ những loại thịt ưa thích như bò hay bê sang thịt gia cầm vốn có giá rẻ hơn.
Thịt truyền thống đã thế, mảng thịt hữu cơ còn thê thảm hơn.
Ông Thomas Wolf, chủ một nhà cung ứng thịt hữu cơ gần Franfurt cho hay doanh số đã giảm đến 30% trong năm ngoái chỉ vì lạm phát quá cao. Vị doanh nhân này từng phải thuê đến 33 người để xử lý các đơn hàng tăng cao trong mùa dịch, nhưng nay thì đã phải sa thải toàn bộ.
Không dám đẻ
Sức mua yếu cùng dân số lão hóa nhanh, ít nguồn lực lao động đã khiến Châu Âu ngày càng kém sức hút trong mắt các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Giờ đây hàng loạt những tập đoàn lớn từ hàng tiêu dùng như P&G cho đến sản phẩm xa xỉ như LVMH đều có doanh số chủ lực từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc hơn là Châu Âu.
Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nếu tính theo đồng USD thì nền kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 6% trong suốt 15 năm qua, thấp hơn nhiều so với 82% của Mỹ. Điều này khiến bình quân người dân Châu Âu nghèo hơn tất cả các bang của Mỹ ngoại trừ Idaho và Mississippi.
Báo cáo của Viện chính sách kinh tế quốc tế Châu Âu (ECIPE) cảnh báo nếu đà này còn tiếp diễn thì vào năm 2035, sự phân biệt giàu nghèo giữa Mỹ và Châu Âu sẽ chẳng khác gì Nhật Bản so với Ecuador ngày nay.
Thậm chí ngay cả trong mảng du lịch vốn nổi tiếng ở Châu Âu, du khách nội địa giờ đây còn chẳng được coi trọng bằng người Mỹ. Tại quần đảo Mallorca ở Địa Trung Hải, bình quân du khách Mỹ chịu chi tới 260 Euro, tương đương 292 USD mỗi ngày cho phòng khách sạn nhưng người Châu Âu thì chỉ chấp nhận chưa đến 180 Euro.
Trong khi đó, sức cầu yếu, tăng trưởng giảm tốc cùng lãi suất tăng cao để chống lạm phát đã khiến mảng an sinh xã hội của Châu Âu chịu ảnh hưởng. Chính điều này đã thúc đẩy hàng loạt những biến động địa chính trị trong lòng xã hội các nền kinh tế khu vực này.
Tờ WSJ cho hay Châu Âu đã cố dùng công thức cũ để giải quyết tình hình nhưng chẳng hiệu quả. Khu vực này đã chi đến 750 tỷ Euro để hỗ trợ, giảm thuế hay các hình thức trợ cấp khác cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp nhằm đối phó giá năng lượng tăng cao, nhưng chính điều này lại gián tiếp thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn các khoản trợ cấp.
Tồi tệ hơn, việc siết chặt chi tiêu công do tình hình kinh tế khó khăn cũng như dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến nhiều dịch vụ như y tế công bị “bỏ đói”.
Bác sĩ Vivek Trivedi tại Manchester-Anh cho hay bản thân kiếm được khoảng 51.000 Bảng mỗi năm. Thế nhưng mức lạm phát hơn 10% của nền kinh tế này trong gần 1 năm qua đã khiến ông phải đến các cửa hàng giảm giá để mua hàng và chi tiêu ít hơn cho thực phẩm vì không đủ tiền. Một số đồng nghiệp của bác sĩ Trivedi thậm chí còn chẳng dám bật lò sưởi những tháng gần đây vì sợ không đủ tiền thanh toán.
Đồng quan điểm, chuyên gia quan hệ công chúng Noa Cohen ở London cho biết mức lương của các đồng nghiệp tại Mỹ cao gấp 4 lần so với bản thân cho dù cùng một công việc. Mặc dù cô Cohen đã tăng được 10% lương sau khi nhảy việc nhưng chẳng thấm vào đâu so với đà lạm phát hiện nay. Các bạn bè của Cohen thậm chí còn đi đông lạnh trứng vì hiện không đủ khả năng nuôi con và chỉ còn biết hy vọng vào tương lai.
Hết thời sang chảnh
Chuyên gia kinh tế Huw Pill của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cảnh báo người dân nên chấp nhận sự thật rằng họ đang nghèo đi và ngừng cố gắng để đòi tăng lương bởi điều này chỉ khiến lạm phát đi lên và làm mọi chuyện tệ hơn.
“Tất cả mọi người đều đang gặp khó khăn cả”, ông Pill nhấn mạnh.
Cuộc xung đột Ukraine đang khiến chính phủ Châu Âu gia tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời phải nâng lãi suất chống lạm phát, đi kèm với thâm hụt ngân sách vì hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch. Những yếu tố này khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán về khả năng tăng thuế, qua đó gây áp lực nặng hơn cho người dân lẫn doanh nghiệp.
So sánh với những nền kinh tế phát triển tương đương, mức thuế tại Châu Âu được cho là khá cao, tương đương 40-45% GDP so với chỉ 27% GDP tại Mỹ. Trong khi người lao động Mỹ nhận về 3/4 thu nhập sau khi trừ các khoản thuế và an sinh xã hội thì người Pháp và Đức lại nhận về chỉ có một nửa.
Sự bất công này đã đảo ngược xu thế của công đoàn trên toàn Châu Âu. Sau hàng thập niên suy giảm thành viên, những công đoàn này hiện đã thu nhận thêm hàng chục nghìn lao động gia nhập khắp Châu Âu để cùng đứng lên đòi quyền lợi cho bản thân.
Điều trớ trêu là câu chuyện về tuần làm việc 4 ngày, cân bằng làm việc với cuộc sống, chăm sóc gia đình và bản thân lại đang trở thành đề tài tranh cãi thời gian qua khi kinh tế trở nên khó khăn. Trong bối cảnh lạm phát, thất nghiệp, thu nhập giảm thì tất nhiên nhiều lao động đòi hỏi tăng lương cho dù có phải làm thêm. Thế nhưng doanh nghiệp và chính phủ lại không muốn điều này vì sẽ khiến lạm phát tăng, qua đó đề xuất giảm giờ làm để thay thế.
Rõ ràng, người dân Châu Âu đang trải qua những ngày tháng khó khăn, điều mà họ chưa từng trải nghiệm suốt nhiều thập niên qua.
*Nguồn: WSJ