Theo tờ Vanguard, ông Ajuri Ngelale - Cố vấn đặc biệt về truyền thông và công chúng của Tổng thống Nigeria mới đây cho biết, Tổng thống Bola Tinubu đã nhận được lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và đang cân nhắc đưa Nigeria gia nhập nhóm này.
Hiện ông Tinubu đang xem xét các lợi ích thành viên khi gia nhập nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Chính phủ (Nigeria) đang tiến hành những cuộc tham vấn sâu rộng. Chúng tôi đang đánh giá cả rủi ro và lợi ích nếu trở thành thành viên của G20. Nếu chính phủ cho rằng chúng tôi nên nộp đơn xin gia nhập G20 thì chúng tôi có cơ hội rất tuyệt vời để được chấp nhận vào nhóm" - Ông Ngelale nói.
Đáng lưu ý, động thái của Nigeria diễn ra sau khi các kênh truyền thông châu Phi đăng tải nhiều bài bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên về việc Nigeria không có tên trong danh sách thành viên mới của BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi vừa kết nạp thêm 6 quốc gia thành viên mới hồi tháng 8.
"Trong khi Ai Cập và Ethiopia đều được mời vào BRICS - câu lạc bộ với những quốc gia được dự đoán sẽ thống trị nền kinh tế thế giới vào năm 2050 thì Nigeria lại bị gạt ra ngoài. Tại sao vậy" - Tờ The Africa Report viết.
Theo tờ báo, Nigeria là 1 trong hơn 20 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Việc "gã khổng lồ châu Phi" không được mời vào nhóm này gây khó hiểu, bởi Nigeria là nền kinh tế đang dẫn đầu châu lục.
Một số chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, chính sách đối ngoại của Nigeria khiến nước này không thể gây ấn tượng nhất định trên trường quốc tế, trong khi lại mang lại lợi ích cho các nước láng giềng.
"Ông trùm châu Phi"
Theo tờ Financial Times, Nigeria có thể xem là một "ông trùm châu Phi" ở nhiều khía cạnh. Quốc gia Tây Phi này có nền kinh tế lớn nhất lục địa, với GDP đạt 477 tỷ USD năm 2022 và dự kiến đạt 491,71 tỷ USD vào cuối năm 2023 (theo dữ liệu từ Trading Economics). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nigeria trong năm ngoái đạt khoảng 6,6% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Đây cũng là một trong những nhà sản xuất dầu quan trọng của châu Phi, tập trung vào dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp, giá trị cao.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 200 triệu người - gần gấp đôi dân số của Ethiopia, Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi cho tới nay. Các ngân hàng ở Nigeria cũng thuộc hàng lớn nhất lục địa châu Phi.
Lagos tự hào là trung tâm công nghệ thành công nhất lục địa đen, nơi ngày càng có nhiều "kỳ lân công nghệ" và các công ty trị giá hơn 1 tỷ USD.
Theo Cục quản lý thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Nigeria có thị trường lớn nhất châu Phi, nguồn lao động dồi dào và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, gồm dầu mỏ, khoáng sản và đá quý. Trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Nigeria đóng vai trò lãnh đạo quan trọng ở cả Tây Phi và lục địa châu Phi. Trụ sở của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đặt tại thủ đô Abuja của Nigeria. Trong đó, Nigeria chiếm khoảng 70% GDP của ECOWAS (với 15 quốc gia thành viên) và hơn một nửa dân số của cộng đồng này.
Bên cạnh đó, quốc gia Tây Phi đang trở thành thị trường và trung tâm sản xuất ngày càng quan trọng đối với lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng của Châu Phi. Nigeria còn là thị trường công nghệ thông tin (CNTT) lớn nhất châu Phi, chiếm 82% thị trường CNTT của Châu Phi và 29% lượng sử dụng Internet ở châu lục này.
Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) liệt kê Nigeria là một trong bốn trung tâm công nghệ lớn nhất châu lục - nơi đang tiếp tục thu hút nhiều nguồn tài trợ fintech (công nghệ tài chính) nhất ở lục địa này.
Về sức mạnh quân sự, theo xếp hạng của Global FirePower, Nigeria có lực lượng quân đội lớn nhất Tây Phi và đứng thứ 4 châu Phi, với hơn 223.000 quân thường trực. Hiện nay nước này đang có kế hoạch tuyển mộ 12.000 tân binh theo chu kỳ 2 năm một lần nhằm đáp ứng các thách thức an ninh mới của đất nước.
Nhân tố bất ngờ "nóng"
Nigeria đang trở thành chủ đề bàn luận trên truyền thông sau khi nước này "vắng bóng" trong danh sách thành viên mới của BRICS, được nhóm công bố hồi cuối tháng 8, và không lâu sau đó đề cập tới khả năng xin gia nhập G20.
Nếu gia nhập G20, Nigeria sẽ là quốc gia châu Phi thứ hai sau Nam Phi gia nhập liên minh các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, Tổng thống Tinubu đã bắt tay vào những cuộc cải cách kinh tế táo bạo. Quốc gia giàu dầu mỏ này đang cố gắng thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tờ The Conversation cho hay, G20 có cách thức hoạt động phức tạp và nhiều điều gây bối rối. Ví dụ, gọi là G20 nhưng nhóm này không phải có 20 quốc gia thành viên. Trên thực tế, G20 là một diễn đàn đa quốc gia bao gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU).
Mỗi năm, chủ tịch G20 sẽ mời khoảng 6 quốc gia khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm và không phải năm nào Nigeria cũng được mời. Theo hãng thông tấn AP, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặc biệt mời Tổng thống Tinubu tới Hội nghị thượng đỉnh năm nay vì "tư cách thành viên của Nigeria đang được xem xét".
Trước đây, đáng lẽ Nigeria là quốc gia thứ 20 trong G20 nhưng cuối cùng lại không được đưa vào danh sách.
Theo chuyên san kinh tế và tài chính IOSR, tiềm năng công nghiệp hóa và mở rộng kinh tế vốn là những yếu tố quan trọng khi xét đến tư cách thành viên của G20. Nhóm này từng suýt đưa Nigeria vào danh sách thành viên nhưng cuối cùng lại đổi ý do tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng, cách nhìn nhận không mấy tích cực với xu hướng công nghiệp hóa và chính sách ngoại giao còn yếu của quốc gia Tây Phi.
Trong khi đó, theo tờ iNigerian, thời điểm G20 thành lập, Nigeria đang trong tình trạng bất ổn về chính trị, nền kinh tế thì mất cân đối về cơ cấu. Giờ đây, với những tiến bộ kinh tế ổn định, Nigeria đã sẵn sàng trở thành thành viên đầy đủ và tích cực của G20. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về việc quốc gia này có thể gia nhập G20 trong năm nay.
Nếu đạt được tư cách thành viên chính thức của G20 thì đó có thể xem là thành công lớn của Nigeria sau nhiều năm bày tỏ mong muốn nhưng bất thành.