Vừa khởi công Vành đai 3, vậy đường Vành đai đầu tiên ở TP.HCM bây giờ ra sao?

Phùng Tiên | 10:16 20/06/2023

Hơn 10 năm trước, Vành Đai 1 là tuyến đường vành đai nằm gần trung tâm TP.HCM nhất và đã gần như được hoàn thiện.

Vừa khởi công Vành đai 3, vậy đường Vành đai đầu tiên ở TP.HCM bây giờ ra sao?

Lộ trình của tuyến Vành đai 1 dài 26,4 km, gồm 3 đoạn, lần lượt đi qua TP Thủ Đức, quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận8 và huyện Bình Chánh. Đường Vành đai 1 hiện đã hình thành và phát huy hiệu quả trong việc giảm tải tình trạng tắc đường cho khu vực nội đô. Tuyến đường còn giúp giảm tình trạng xe quá tải lưu thông vào nội thành, đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng ngoại thành và kích thích giãn dân ra khu vực vùng ven TP. HCM.

Đoạn 1 của tuyến Vành đai 1 bắt đầu từ ngã tư Linh Xuân, TP Thủ Đức (nút giao Kha Vạn Cân - Phạm Văn Đồng) đến vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). Tuyến đường dài gần 8,5 km, có12 làn xe. Trong ảnh, đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) là một trong hai tuyến chính của Vành đai 1 cùng với Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Thông xe từ năm 2013 với tổng vốn 340 triệu USD, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai (đại lộ Phạm Văn Đồng) được mệnh danh là tuyến đường huyết mạch nội đô đẹp nhất TP. HCM.

Đoạn 2A dài 4,8 km bắt đầu từ vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình). Đoạn này trùng với các tuyến đường Bạch Đằng – Hồng Hà và đi thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất. Hai tuyến đường này một chiều và song song với nhau, mỗi tuyến có lộ giới 20m.

Trong ảnh là công trình cầu vượt thép vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn có thiết kế hình chữN, gồm ba cầu vượt với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Công trình giúp giải quyết 70% ùn tắc giao thông, tránh xung đột với các dòng phương tiện dưới chân cầu và góp phần thông tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Đoạn 2A còn đi qua các tuyến đường trọng điểm quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất lần lượt là đường Trường Sơn (lộ giới 30 m), Trần Quốc Hoàn (lộ giới 50 m), vòng xoay Lăng Cha Cả và Hoàng Văn Thụ (lộ giới 32 m) trước khi đến nút giao Bảy Hiền. Trong đó, tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được xem là cửa ngõ thứ hai của sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai, đồng thời được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải lưu lượng xe cộ qua đường Trường Sơn.

Ngoài ra, dự án cải tạo đường Cộng Hòa đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long (quận Tân Bình) - dưới chân cầu vượt Lăng Cha Cả, đã hoàn thành, góp phần giải tỏa ùn tắc ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Đoạn này trước đây là nút thắt cổ chai do lòng đường hẹp, nay được mở rộng mặt đường hiện hữu từ 14 m lên 19 m, với chiều dài 134 m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 168 tỷ đồng, được khởi công từ cuối tháng 10/2022 và hoàn thành sau 3 tháng thi công.

Ở đoạn 2B dài 4,7 km từ ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) đến Hương Lộ 2 (quận Bình Tân) có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp như một con hẻm, thường xuyên kẹt xe. Trong ảnh là đường Võ Thành Trang chỉ rộng khoảng 5-6 m nhưng nhiều phương tiện như xe tải, ba gác, ô tô qua lại, gây cản trở giao thông vào giờ cao điểm.

Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân là điểm giao cắt của sáu con đường gồm Lê Văn Quới, Bình Long, Thoại Ngọc Hầu, Phan Anh, hương lộ 2, Hòa Bình. Nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe và điều tiết lưu lượng xe, TP đã có chủ trương xây dựng nút giao thông tại đây.

Toàn đoạn đoạn 3 của tuyến Vành đai 1 dài khoản 8,4 km, có điểm đầu là Hương lộ 2, kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Đoạn này gồm các tuyến đường: Vành đai trong, Vành đai trong nối dài (đoạn 1 từ Hương lộ 2 đến đường số 29; đoạn 2 từ đường Kinh Dương Vương đến đường Nguyễn Văn Linh). Trong ảnh là đường Vành đai trong thuộc khu Tên Lửa (quận Bình Tân). Tuyến đường được xây dựng rộng rãi, hiện đại, nhiều cây xanh và ít xảy ra tình trạng kẹt xe.

Sau khi cắt qua đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt, An Dương Vương, vượt kênh Lò Gốm, kênh Đôi, tuyến Vành đai 1 kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (Khu dân cư Conic, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), kết nối với đường Vành đai 2 chạy đến TP Thủ Đức.

Với sự phát triển của hạ tầng - giao thông, nhiều bất động sản đã xuất hiện trên tuyến Vành đai 1. Theo thống kê, dọc hai bên hoặc lân cận của tuyến đường Phạm Văn Đồng đã hình thành khoảng 10 dự án bất động sản cao cấp như Opal Garden của Tập đoàn Đất Xanh, Him Lam Phú Đông, Phú Đông Premier của Phú Đông Group... Dự án St. Moritz của tập đoàn Đất Xanh được xây dựng trên diện tích hơn 2.400 m2 gồm 20 tầng, giá dao động khoảng 70 triệu/m2 cho căn hộ và 44 triệu/m2 cho văn phòng.

Ở huyện Bình Chánh, các dự án dọc đường Nguyễn Văn Linh được rất nhiều nhà đầu tư săn lùng. Dự án Mizuki Park (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) quy mô 26 ha của Tập đoàn Nam Long nằm trên trục Nguyễn Văn Linh mới bàn giao khoảng 1.500 sản phẩm, gồm khu biệt thự compound Valora Island, khu nhà phố, shophouse dòng Valora và các khu căn hộ biệt lập Flora Mizuki.

Tuyến Vành đai 1 còn kết nối giao thương, sản xuất giữa trung tâm và các khu công nghiệp ngoại thành, cụ thể là ở huyện Bình Chánh - nơi có 4/10 khu công nghiệp lớn nhất TP. HCM. Bình Chánh cũng được đề xuất trở thành trung tâm công nghiệp mới của TP nhờ quỹ đất sạch và giao thông thuận lợi.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất đánh thuế nước giải khát có đường: Còn nhiều ý kiến trái chiều
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra trong tháng 11/2024, trong đó có điểm mới là đề xuất áp thuế đối với đồ uống có đường. Tuy nhiên, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt biệt đối với đồ uống có đường lần đầu tiên được đưa ra trong dự thảo Luật này, do đó, vẫn còn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Vừa khởi công Vành đai 3, vậy đường Vành đai đầu tiên ở TP.HCM bây giờ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO