Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón và làm việc với ông Châu Gia Nghĩa, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) và tổ hợp các nhà thầu, đối tác hợp tác tại Việt Nam.
Được biết, Tập đoàn PowerChina hiện hoạt động tại hơn 130 quốc gia, trong 5 lĩnh vực chính: Thủy lợi-thủy điện, năng lượng điện lực, hạ tầng đô thị, khai khoáng và số hóa. Năm 2024, doanh thu đạt hơn 100 tỷ USD, xếp thứ 108 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
Powerchina có mặt Việt Nam từ những năm 2000, tham gia xây dựng hơn 100 dự án năng lượng, các dự án hạ tầng, cảng biển... Năm 2024, PowerChina ký Bản ghi nhớ với Công ty cổ phần FECON, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Sông Đà-CTCP, Tổng công ty Thăng Long-CTCP thành lập Tổ hợp CVRail để cùng nghiên cứu, tham gia các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia. Tổng giá trị doanh thu năm 2024 của các công ty Việt Nam trong Tổ hợp là khoảng 22 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, tại buổi gặp mặt, ông Châu Gia Nghĩa, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) chia sẻ Tập đoàn đã có kinh nghiệm tham gia, thi công tổng chiều dài hơn 2.000 km đường sắt.
Đồng thời, vị lãnh đạo Tập đoàn PowerChina cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng 4 doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai các dự án đường sắt tại Việt Nam, trước mắt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng và kiểm soát chi phí hiệu quả cho dự án, cũng như chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật và quản lý với các đối tác Việt Nam.
Ngoài ra, với tầm vóc của nhà thầu lớn thứ 7 trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn PowerChina mong muốn tiếp tục hợp tác, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam và các lĩnh vực hạ tầng khác.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, "vừa là đồng chí, vừa là anh em", đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đang cùng xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai", là môi trường thuận lợi, nền tảng tốt đẹp và thời cơ để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác thực chất, cùng có lợi.
Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, trong đó có hạ tầng kết nối với Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Tập đoàn PowerChina tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, hạ tầng chiến lược, nhất là các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, đường sắt đô thị, trong đó có tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai để kết nối với Côn Minh - Trùng Khánh và đi các nước châu Âu.
Thủ tướng hoan nghênh kế hoạch hợp tác của PowerChina với các đối tác Việt Nam; bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn trong lĩnh vực đường sắt; nhắc lại việc Trung Quốc đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, với nhiều công trình vẫn đang phát huy hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có uy tín của Trung Quốc vào đầu tư và phát triển trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường sắt tại Việt Nam, trước mắt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đề nghị PowerChina hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học quản trị, giải pháp vận hành trong lĩnh vực đường sắt…
Chia sẻ thêm về các kế hoạch phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho hay, Việt Nam vừa ban hành các Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tư nhân, với nhiều cơ chế, chính sách đột phá, thông thoáng, ưu đãi.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn PowerChina hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của PowerChina và chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, Petrovietnam về công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất các động cơ gió (tuabin), sản xuất pin mặt trời; hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam như Lũng Lô, Sông Đà để khảo sát, phát triển các dự án năng lượng, nhất là điện gió tại các tỉnh phía bắc Việt Nam.
Đề nghị phát huy tinh thần "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng PowerChina có thể thông qua các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác.
Khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12/2025
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (mới) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, TP. Hải Phòng.
Trên tuyến bố trí 18 ga (3 ga lập tàu; 15 ga hỗn hợp) và 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỷ USD)
Tại tỉnh Bắc Ninh, tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố Từ Sơn và thị xã Thuận Thành, có ga Yên Thường thuộc xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) và phường Châu Khê (Từ Sơn)
Tại cuộc họp với các bộ ngành, đơn vị liên quan để rà soát việc triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc diễn ra vào hôm qua, Thủ tướng chỉ đạo, căn cứ mục tiêu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12 tới tại 5 điểm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng đường găng tiến độ chi tiết, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân công công việc cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản để triển khai dự án và góp phần hình thành, phát triển ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam.