VIRES: Vấn đề then chốt của hệ thống tín dụng là cần giải quyết tình trạng sở hữu chéo

Hải Sơn | 07:22 01/12/2023

Theo VIRES, để giải những vấn đề then chốt của hệ thống tín dụng ngoài giải pháp tăng cường mở rộng tài khóa, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, điều đặc biệt là phải giải quyết được tình trạng “sở hữu chéo” của các tổ chức tín dụng.

VIRES: Vấn đề then chốt của hệ thống tín dụng là cần giải quyết tình trạng sở hữu chéo
Để kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. (Ảnh: Int)

Viện Nghiên cứu Bất động sản (VIRES), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa có đề xuất các giải pháp để khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Theo đề xuất, để giải những vấn đề then chốt của hệ thống tín dụng, ngoài giải pháp tăng cường mở rộng tài khóa (thông qua giảm thuế, phí; tăng chi tiêu công; kích cầu nội địa) kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ (thông qua giảm lãi suất điều hành) chỉ phát huy hiệu quả và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế khi và chỉ khi chính sách tiền tệ phải điều tiết hợp lý, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, kết hợp giám sát và minh bạch dòng chảy tín dụng, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng và giữ vững an toàn hệ thống…. Điều đặc biệt là phải giải quyết được tình trạng “sở hữu chéo” của các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực có độ rủi ro cao (như bất động sản) với biểu hiện thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn “sân sau”, sử dụng vốn sai mục đích đang có tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, còn trên thực tế, các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại Luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp tục quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ 5% xuống 3% vốn điều lệ, sở hữu của một cổ đông từ tổ chức, giảm từ 15% xuống 10%, hay nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15% tại Dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng vì thế sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

Để kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Theo đó, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu.

Bên cạnh đó, kiểm soát tình trạng sở hữu chéo hiện nay đòi hỏi nhiều hơn năng lực thanh tra, giám sát và nhìn nhận các mối quan hệ chồng chéo trong việc sở hữu và cho vay, đặc biệt là giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là vấn đề quan trọng trong việc hóa giải nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Nỗ lực giảm lãi suất chỉ là bề nổi.

Chia sẻ với MarketTimes về vấn đề sở hữu chéo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, hiện nay tình trạng sở hữu chéo ngày càng phát triển và đi đến mức độ sảo thuật.

Hậu quả của nó tạo ra hệ thống quyền lực, thao túng ngân hàng và điển hình là trường hợp của Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tạo hệ sinh thái đồ sộ, thao túng ngân hàng và dùng ngân hàng là công cụ tài chính cho họ.

Theo TS. Hiếu, bản thân hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát không thể gọi vốn và phát hành trái phiếu rộng rãi như thế được. Vì ngân hàng là uy tín, là được cả hệ thống chính trị và kinh tế bảo hộ, ngân hàng có tiếng nói với người dân, mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát nhưng thông qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, sở hữu chéo còn tạo ra một hành lang quyền lực như vụ ông Nguyễn Đức Kiên (Ngân hàng ACB) hồi năm 2013. Đồng thời, qua 3 ngân hàng mà NHNN mua lại giá 0 đồng như Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng… Đây là những ngân hàng có sự “cấu kết” với doanh nghiệp chân rết, sở hữu chéo lẫn nhau, huy động vốn và cho vay cùng 1 đối tượng. Sauthời gian vay mượn, những “chân rết” đó không trả được nợ, dẫn đến ngân hàng nợ xấu, mất thanh khoản...

Bài liên quan

(0) Bình luận
VIRES: Vấn đề then chốt của hệ thống tín dụng là cần giải quyết tình trạng sở hữu chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO