Thảo luận tại tổ chiều 5/6 về dự án Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Hải Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lo ngại tình trạng sở hữu chéo ngân hàng và công ty tài chính. Bởi hiện nay có hiện tượng lách luật tỉ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vay thông qua "vốn bật tường" từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam băn khoăn, quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng sở hữu chéo hay chưa? Sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, nên cần biện pháp xử lý căn cơ hơn.
"Hiện nay hệ thống ngân hàng có tình trạng, sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A’ hoặc doanh nghiệp B, trong khi đó đa phần là doanh nghiệp bất động sản, việc này có nguy cơ thao túng, sở hữu chéo”, ông Nguyễn Hải Nam nói.
Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án luật đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3% để hạn chế cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng.
“Quan trọng không phải là 5% hay 3%, trong một số luật của các nước, anh sở hữu trong các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo công khai hết để người ta biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tuy chưa có luật về tập đoàn tài chính nhưng trong thực tế, chúng ta bắt đầu đã có hình thành những cái mô hình tổ chức như là tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ con nhưng công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; hoặc là một tập đoàn nhưng trong đó có một ngân hàng thương mại của tổ chức tín dụng là một thành viên trong hệ sinh thái của các tập đoàn đó. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ, cụ thể hơn vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng.
"Nghị quyết của Trung ương lần này nói là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng, cần quy định cụ thể các vấn đề về doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng… để làm sao giải thích được câu hỏi vì sao lạm phát thấp mà lãi suất huy động lại cao như thế để xã hội khỏi thắc mắc. "Lạm phát năm ngoái có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9% thì vô lý quá. Thế bây giờ muốn giải đáp những câu hỏi đấy thì phải quy định ngay trong luật này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên họp buổi sáng 5/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo Luật; đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động đến thị trường chứng khoán.