Việt Nam đã có sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động về giao dịch tài sản số

Hải Sơn | 11:03 22/08/2024

Hiện tài sản số ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý, nhưng thực chất hệ thống pháp luật thuế Việt Nam cũng đã có các sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản số, như Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng...

Việt Nam đã có sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động về giao dịch tài sản số
Hệ thống pháp luật thuế Việt Nam cũng đã có các sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản số.

Đây là một trong những nội dung được các khách mời là cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ bàn luận tại cuộc Toạ đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp sắp tới.

Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số, trong đó tài sản số lần đầu tiên được định nghĩa tại Điều 8 của dự thảo luật. Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trong thời gian qua với sự phát triển của công nghệ, tài sản số cũng phát triển rất mạnh trên thế giới. Việt Nam không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain cho biết, khi tiếp cận quốc tế, tài sản số chia khung pháp lý ra thành 4 tiêu chuẩn đánh giá của từng quốc gia., đó là chính sách thuế; các tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, gọi là ALM và CFT; chính sách bảo vệ người tiêu dùng và chính sách cấp phép.

Ở góc độ Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn chỉ mong muốn khi có hành lang pháp lý cho tài sản số, làm thế nào bảo vệ được nguồn thu hoặc tương lai là một dòng thu thuế. Sẽ có mâu thuẫn lợi ích trong chính sách, nghĩa là làm thế nào để bảo vệ được người tiêu dùng, làm thế nào để cân bằng chính sách thu thuế, làm thế nào để thúc đẩy được lợi ích quốc gia trong thu hút dòng vốn vào, làm thế nào để cấp phép được…

Nói về chính sách thuế cho tài sản số, ông Trương Bá Tuấn chia sẻ, hiện tại trong hệ thống thuế của ViệtNam có 9 sắc thuế khác nhau. Thực chất hiện nay hệ thống pháp luật thuế Việt Nam cũng đã có các sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản này.

Đơn cử, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định nguyên tắc chung là đối tượng, cá nhân cư trú có nghĩa vụ nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam.

Tương tự như vậy, chúng ta có Luật Doanh nghiệp. Các tổ chức doanh nghiệp có thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động khác thì có nghĩa vụ nộp thuế.

Như vậy trong trường hợp tài sản số được đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số, hay nói cách khác chúng ta thừa nhận tài sản số như một loại tài sản thì chúng ta hoàn toàn có căn cứ để thực hiện thu thuế dựa trên pháp luật thuế của chúng ta. Tương tự chúng ta có Luật Thuế giá trị gia tăng để chúng ta điều tiết, giao dịch các tài sản.

Cũng nói về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, từ nhu cầu thực tế, đã đến lúc chúng ta phải tính chuyện đánh thuế. Vì có những người sở hữu tài sản ấy, có nhiều người thu nhập rất lớn từ tài sản đó, mà về nguyên tắc một người đang sinh sống ở Việt Nam phải có trách nhiệm đóng thuế phần thu nhập.

Hiện nay có những giao dịch liên quan đến tài sản số. Về nguyên tắc, các giao dịch đó cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Chúng ta có thuế VAT, đối với lĩnh vực này, nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập.

Tuy nhiên, nhưng cái khó không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang phải đối mặt là phải định nghĩa nó là gì.

“Tôi quan sát kinh nghiệm các nước, cách các nước tiếp cận rất đa dạng, khác nhau. Có nước xem đây như một loại chứng khoán, có nước xem đây là một loại tài sản đặc biệt, có nước xem là một tài sản hỗn hợp. Nghĩa là cách tiếp cận của mỗi quốc gia khác nhau. Vậy phản ứng của Việt Nam như thế nào?”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Việt Nam đã có sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động về giao dịch tài sản số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO