Mới đây, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn, Khoa Kinh tế thuộc ĐH Thammasat - Thái Lan, đã tham gia toạ đàm AEC Business Forum 2025 do Ngân hàng Bangkok tổ chức. Bà đã chia sẻ nội dung tham luận, chủ yếu đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và phân tích kinh tế Thái Lan, trên Facebook cá nhân và thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng.
Bà nhận định rằng: “Khi bước vào năm 2025, thế giới sẽ chao đảo như thế nào với việc ông Donald Trump trở lại ghế Tổng thống Mỹ một lần nữa? Có khả năng ông sẽ làm xáo trộn và phá bỏ trật tự thế giới cũ trong nhiều lĩnh vực và thực hiện những điều không thể đoán trước trong nhiều vấn đề”.
Và nữ PGS cũng nhấn mạnh rằng thế giới trong 4 năm tiếp theo sẽ rất khó đoán. “Nhiều nhà phân tích đều thống nhất rằng từ giờ trở đi, thế giới sẽ bước vào thời kỳ hỗn loạn và bị chao đảo nặng nề”, bà nêu ý kiến.
PGS-TS Aksornsri Phanishsarn cho rằng phía Trung Quốc đã dùng thuật ngữ “bắt nạt kinh tế” khi tổng thống đắc cử liên tục đề cập đến việc sử dụng thuế quan như một cách để khống chế các nước.
Cũng theo nữ PGS, sự căng thẳng địa chính trị sẽ gia tăng. Thế giới sẽ bị chia thành các khối rõ rệt hơn, đặc biệt là thuật ngữ “Global South” do Trung Quốc dẫn dắt sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Đồng thời, thế giới sẽ bị xé nhỏ. Xu hướng ngược lại của toàn cầu hóa sẽ khiến thương mại thế giới giảm lại. Các siêu cường sẽ phản ứng với nhau bằng cách sử dụng các biện pháp khác nhau, khiến cho thế giới sẽ đầy rẫy các biện pháp thương mại bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia sẽ tích lũy dự trữ vàng nhiều hơn, nữ PGS ĐH hàng đầu Thái Lan nhận định. Thế giới đang có nhiều bất ổn cao, với rủi ro xung đột tại nhiều khu vực, thậm chí là nguy cơ chiến tranh. Nhiều quốc gia càng muốn nhanh chóng tích lũy vàng dự trữ, dẫn đến xu hướng giảm sự nắm giữ đô la và chuyển sang nắm giữ vàng nhiều hơn.
Từ đó, chính phủ của nhiều quốc gia trở nên tích cực hơn trong việc bảo vệ lợi ích của quốc gia mình, như quản lý vấn đề người di cư và từ bỏ những giá trị cố hữu trong trật tự thế giới cổ điển.
"Người Thái hãy tỉnh táo lên!"
Từ nhận định trên, bà khuyên Thái Lan nên từ bỏ kiểu kinh tế chỉ phụ thuộc vào một số lĩnh vực trọng yếu. Cụ thể, Thái Lan đang phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và du lịch. Việc này khiến Thái Lan phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
“Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Thái Lan, với tỷ lệ chiếm đến 17% tổng xuất khẩu của Thái Lan. Nếu càng phụ thuộc vào Mỹ, thì sẽ càng đau đớn hơn nếu phải đối mặt với các biện pháp của Trump 2.0. Vì vậy, nền kinh tế Thái Lan sẽ có nguy cơ bị tác động nặng nề nếu không thể đa dạng hóa xuất khẩu sang các thị trường khác để thay thế”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn nêu quan điểm.
Bà khuyên rằng để Thái Lan thực sự phát triển thì “không phải chỉ có chính phủ hay các nhà chính trị ngồi lại nghĩ ngợi trong phòng họp mà cần phải có sự đóng góp ý kiến từ những người thực sự am hiểu và có kinh nghiệm thực tiễn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau”. Làm được như vậy thì mới có thể “phát huy tối đa tiềm năng hiện có của đất nước”.
Bà nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Thái Lan hiện nay là phải tập trung phát triển "con người" và nguồn nhân lực một cách nghiêm túc. Nữ PGS nhắc lại câu chuyện Nvidia chọn đầu tư vào Việt Nam.
Jensen Huang đã “quyết định đầu tư thật sự vào Việt Nam vì ông nhận thấy tiềm năng của sinh viên Việt Nam, những người tài năng trong lĩnh vực AI và kỹ sư STEM. Đây là một minh chứng phản ánh thực tế đau lòng mà chúng ta (người Thái Lan - PV) phải đối mặt”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn phân tích.
Kết thúc bài báo cáo, bà kêu gọi: “Hãy tỉnh táo, người Thái ơi! Chúng ta cần có những điều chỉnh lớn. Thái Lan phải điều chỉnh mô hình phát triển của mình một cách nghiêm túc, ngừng sử dụng các phương pháp cũ kỹ không còn hiệu quả, và cần dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình”.
Phó giáo sư Aksornsri Phanishsarn từng là sinh viên của ĐH Chulalongkorn (trường ĐH số 1 Thái Lan) và có thời gian học tại Johns Hopkins University (Mỹ).
Nơi công tác của bà hiện tại, ĐH Thammasat, là trường ĐH hàng đầu của Thái Lan. Thammasat đã được xếp hạng thứ 2 về mức độ cạnh tranh cao nhất và điểm số cao nhất tại trường đại học Thái Lan theo Hệ thống tuyển sinh trung ương của các trường đại học Thái Lan. Còn theo xếp hạng của QS, trường này xếp thứ 596 toàn cầu. Còn bảng xếp hạng THE, Thammasat ở nhóm 1201–1500 trường toàn cầu.