Vị thế của ngành chế biến thực phẩm Việt Nam nhìn từ Triển lãm Thaifex Anuga

TS. Nguyễn Thị Quý Phương | 17:10 05/06/2023

Thaifex Anuga - Triển lãm được đánh giá là lớn nhất của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm châu Á đã khép lại vào cuối tuần vừa qua với sự tham gia của hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam, một con số cũng được xem là kỷ lục.

Vị thế của ngành chế biến thực phẩm Việt Nam nhìn từ Triển lãm Thaifex Anuga
Gian hàng của doanh nghiệp QP Foods Việt Nam tại Thaifex Anuga 2023, với tuyên bố “Việt Nam – Bếp ăn xinh đẹp của thế giới” và tầm nhìn trở thành nhà cung cấp 25 triệu bữa ăn hoàn chỉnh hương vị thuần Việt đến khách hàng toàn cầu mỗi ngày vào năm 2032.

Tại triển lãm, mặc dù nhận được sự quan tâm và đầu tư của hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam nhưng những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp Việt Nam gần như lọt thỏm trước sự đầu tư bài bản của các cường quốc trong không gian hoành tráng của Thaifex Anuga 2023 với hơn 3.000 công ty trưng bày đến từ 43 quốc gia.

Trong đó, riêng nước chủ nhà Thái Lan – quốc gia đứng thứ 15 trong Top các nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới - chiếm vị thế áp đảo: 5.500 gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ của 1.200 doanh nghiệp Thái.

Bữa ăn và vai trò của kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến

Từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022, tại Bảo tàng Nghệ thuật trang trí và thiết kế tọa lạc ở trung tâm thành phố cảng Bordeaux nước Pháp, những người nông dân trồng nho mang đến triển lãm “Thiết kế trang trại và nông nghiệp trên đường đi tới” những chai vang đủ tuổi được trồng và được ủ ngay ở vùng đất nông nghiệp đắt giá nhất thế giới. Nơi đó, mỗi trang trại là một tác phẩm đáng được chiêm ngưỡng trong bảo tàng. Nơi đó, mỗi ha đất trồng nho tạo ra 647 triệu đô la Mỹ một năm. Nơi đó, chưa từng xuất hiện ý nghĩ nuôi, trồng, sản xuất là nghèo và lạc hậu.

Trong thực tế, các quốc gia trong top đầu về tổng thu nhập quốc dân của thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, và đặc biệt là các nước Bắc Âu đều có tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm từ gần 50% trở lên. Bởi nông nghiệp – ngay cả khi không mang đến những con số khổng lồ trong tăng trưởng, thì vẫn luôn là trụ đỡ của một nền kinh tế tự chủ và là thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế quốc gia.

anh-thaifex-anuga.-nguon-btc.jpg
Toàn cảnh triển lãm Thaifex Anuga 2023

Ngay từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, chế biến thực phẩm là một thành phần quan trọng của ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng. Từ quá trình biến đổi nguyên liệu thô thành thực phẩm có thể bán được, đến kéo dài thời gian sử dụng, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến thực phẩm đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.

Trong đó, Hoa Kỳ có những thương hiệu có ảnh hưởng toàn cầu đầu tiên ngay từ nửa đầu thế kỷ 20, cụ thể là Heinz, Kellogg’s và Campbell Soup. Đất nước này đã cho ra đời hệ sinh thái những nhà máy chế biến thực phẩm đứng đầu thế giới cả về số lượng cũng như chất lượng và trở thành cường quốc tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm - đồ uống chế biến sẵn.

Các chuyên gia Statista dự báo doanh thu ngành công nghiệp thực phẩm của Mỹ đạt 764,5 tỷ đô la Mỹ năm 2022, gấp hai lần GDP của Việt Nam năm đỉnh cao 2021.

Nhiều thập kỷ liên tiếp, Mỹ luôn giữ vững vị trí dẫn đầu về chế biến thực phẩm với quy mô thị trường thực phẩm đóng gói đạt 1,03 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, chỉ riêng một Tập đoàn Sysco – tập đoàn cung cấp thực phẩm và các sản phẩm liên quan cho khách hàng đến từ hơn 650.000 cơ sở kinh doanh khác nhau, bao gồm nhà hàng, cơ sở giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cơ sở lưu trú và những đối tác thuộc các dịch vụ ăn uống khác – đã đạt doanh thu 51,3 tỷ USD.

Theo Macrotrends, tổng lợi nhuận của Sysco trong 12 tháng cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 là 12,3 tỷ USD, tăng 31,68% so với thời điểm tháng 6 năm 2021.

anh-5.jpg
Quầy hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ USDA tại Thaifex Anuga dành cho các nhà sản xuất muốn vào thị trường Hoa Kỳ -Thaifex Anuga 2023

Cùng là một quốc gia Đông Nam Á đứng trong top các quốc gia xuất khẩu nông sản, Thái Lan kiên trì và đầu tư bài bản, không mệt mỏi với các sáng kiến để gia tăng giá trị nông, thủy sản bằng sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu. Năm 2021, doanh thu từ thực phẩm đóng gói chiếm hơn 15% GDP của Thái Lan với 33,1 tỷ đô la Mỹ, trong đó riêng giá trị xuất khẩu đã đạt 17,4 tỷ đô la.

Trong một thế giới lao đao vì Covid-19 với mối lo về an ninh lương thực, hơn 10.000 công ty chế biến thực phẩm của Thái Lan nổi bật là những nhà cung cấp đáng tin cậy về thực phẩm chế biến an toàn và dồi dào cho hàng tỷ người dân trên Trái Đất. Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá :“Thái Lan là một trong những nhà cung cấp nông sản hàng đầu thế giới, chủ yếu nhờ lĩnh vực chế biến thực phẩm phát triển và được toàn cầu công nhận về tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng”.

Ba người giàu nhất Thái Lan với tổng tài sản hơn 67 tỷ đô la Mỹ là những nhà lãnh đạo các Tập đoàn thực phẩm và đồ uống. Charoen Pokphand Group hay CP Group được biết đến là tập đoàn lớn nhất Thái Lan. Vào năm 1921, bắt đầu với tư cách là một cửa hàng hạt giống địa phương ở Bangkok, đến cuối năm 2021, CP Group đã vận hành 8 ngành kinh doanh nông công nghiệp và thực phẩm, bao gồm 14 nhóm kinh doanh và đầu tư tại 21 quốc gia. CP đã được công nhận là công ty bền vững nằm trong Top 3 thế giới.

Vào tháng 7/2022, anh em nhà Chearavanont – Chủ tịch Tập đoàn được Forbes ghi nhận là người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản ròng 17,2 tỷ USD. Cuối thế kỷ 20, việc kinh doanh của CP Group mở rộng từ cửa hàng địa phương sang hệ thống thức ăn chăn nuôi và họ dần dần mua lại các thương hiệu nhà hàng, siêu thị nhượng quyền tại Thái Lan và thế giới.

Hiện tại, với 370 nhà máy sản xuất, 13.141 chi nhánh cửa hàng tiện lợi và gần 3.000 chi nhánh siêu thị, Tập đoàn CP đang đóng vai trò quan trọng trong ngành thực phẩm toàn cầu. Năm 2020, Tập đoàn công bố doanh thu toàn cầu được ghi nhận là 82 tỷ USD. Với slogan “Bếp ăn của thế giới”, CP Group xác định tầm nhìn là trở thành “một tập đoàn công nghệ và đổi mới hàng đầu, cung cấp thức ăn cho cả thể chất và tinh thần, tạo ra giá trị chung và mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho tất cả mọi người”.

anh-2.jpg
Gian trưng bày của Tập đoàn CP Group tại Thaifex Anuga 2023

Vị thế "khiêm nhường" của ngành chế biến thực phẩm 

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng ghi nhận số lượng 10.270 doanh nghiệp, tương đương với số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Thái Lan. Tuy nhiên, với 8,7 tỷ đô la Mỹ, giá trị sản xuất của toàn ngành chế biến thực phẩm Việt Nam chỉ bằng ¼ giá trị mang lại của riêng thực phẩm đóng gói chế biến sẵn Thái Lan.

Dù vậy, so với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam là ngành có tỷ trọng giá trị gia tăng cao nhất, luôn đạt mức 11,34 đến 15.37% trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Với lợi nhuận trước thuế đạt 2,2 tỷ đô la Mỹ trên tổng doanh thu 8,7 tỷ, tỷ lệ lợi nhuận của ngành cũng là tỷ lệ cao nhất trong các ngành sản xuất, lên tới 25%. Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành chế biến chế tạo nói chung luôn cao hơn tốc độ tăng GDP.

Bình quân giai đoạn 2011-2015, ngành chế biến chế tạo tăng 9,64%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP 5,91%/năm; giai đoạn 2016-2019, ngành chế biến chế tạo tăng 12,64%/năm, trong khi đó GDP tăng 6,78%/năm. Chế biến thực phẩm là ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một ngành công nghiệp có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao nhất, có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất trong các ngành chế biến chế tạo lại có một vị thế khiêm nhường đến thế trong cơ cấu các ngành kinh tế Việt Nam?

Phải chăng bởi tư duy đề cao công nghiệp công nghệ và đô thị hóa, coi sản xuất chế biến từ nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản là khu vực kinh tế của nhân sự cấp thấp và của những mô hình sản xuất nhỏ lẻ?

Con đường và tầm nhìn: Từ 200.000 bát phở Việt sản xuất mỗi ngày của CP Thái Lan

Năm 2018, Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã sững sờ khi ghé thăm nhà máy sản xuất của Tập đoàn CP Thái Lan. Bởi một trong những sản phẩm bán chạy nhất của CP đang được sản xuất trên dây chuyền của nhà máy này chính là phở Việt Nam, sử dụng nguồn nguyên liệu Thái và dán nhãn “made in Thailand” nhưng lại được sản xuất với cách chế biến, hương vị hoàn toàn thuộc về món phở Việt.

Điều đặc biệt chính là tính tiện dụng của sản phẩm, bởi đây là một sản phẩm ready-to-eat, sẵn sàng để thưởng thức chỉ trong ít phút chế biến, vô cùng được ưa chuộng tại thị trường châu Mỹ. “Phở Việt” của CP được phân phối trộng rãi trong các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon...

Ngạc nhiên hơn nữa, 200.000 bát phở được sản xuất mỗi ngày trên dây chuyền tự động hóa, chỉ có chưa đến 10 công nhân; các sản phẩm được đóng gói với thiết kế đặc biệt (bằng giấy nhưng không làm rò rỉ nước sốt ra ngoài), hoàn toàn được thực hiện bởi robot.

Có thể thấy CP đã có một chiến lược bài bản từ khâu nghiên cứu thị trường tới phân phối marketing cho sản phẩm – điều khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đặt ra câu hỏi về cách thức phát triển ngành công nghiệp thực phẩm nước nhà dựa trên tài nguyên và trí tuệ bản địa.

Một dây chuyền trong 1 nhà máy nhỏ của Tập đoàn lớn nhất Thái Lan đang kiếm được gần 1 triệu đô la Mỹ mỗi ngày từ món phở Việt, còn chính chúng ta thì sao?

Chúng ta cần dỡ bỏ thành kiến sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm là nghèo nàn, lạc hậu, là gia công, trình độ thấp. Đã đến lúc để trí tuệ vào cuộc phát triển ngành chế biến thực phẩm, từ định hướng phát triển, xây dựng mô hình sản xuất, nghiên cứu sản phẩm, thiết kế nhận diện, quảng bá thương hiệu và hình thành một ngành công nghiệp chế biến lớn mạnh.

Nền công nghiệp đó lấy sự giàu có của đất đai Việt Nam, sự phong phú của cây, con giống nông nghiệp Việt Nam; sự đa dạng của các miền văn hóa ẩm thực trải dài trên mảnh đất hình chữ S làm nền tảng, và lấy sáng tạo, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn thẩm mỹ, phát huy sức mạnh văn hóa bản địa làm đòn bẩy đưa thực phẩm chế biến Việt Nam cất cánh với giá trị gia tăng cao, để Việt Nam trở thành “Bếp ăn xinh đẹp của thế giới”.


(0) Bình luận
Vị thế của ngành chế biến thực phẩm Việt Nam nhìn từ Triển lãm Thaifex Anuga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO