Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng ở Mỹ: Khi ngành y tế chăm chăm hưởng lợi từ bán dược, biến bệnh nhân thành những ‘con cừu’

Băng Băng | 15:25 29/04/2023

Tại Mỹ, khoảng 150.000 người đã chết và 4,5 triệu bệnh nhân nhập viện hàng năm vì lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng.

Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng ở Mỹ: Khi ngành y tế chăm chăm hưởng lợi từ bán dược, biến bệnh nhân thành những ‘con cừu’

Theo tờ Economist, bác sĩ Emily Reeve của một bệnh viện lớn tại Adelaine-Australia cho biết cô thấy các bệnh nhân đang dùng quá nhiều thuốc và thực phẩm chức năng mỗi ngày, gây ra tình trạng lạm dụng thuốc (Polypharmacy).

“Mọi người thường nói rằng họ uống nhiều thuốc đến mức đôi khi không nhớ mình cần phải dùng hoặc đã dùng loại nào”, cô Reeve cho biết.

Vị dược sĩ này tỏ ra lo lắng khi ngành y tế thay vì giúp bệnh nhân ít uống thuốc đi thì lại đang khiến mọi người dùng nhiều thuốc hơn dù không phải chất hóa học nào vào người cũng tốt và thực phẩm chức năng cũng không phải thần dược, nếu không muốn nói là có hại nếu dùng quá liều.

Ngay cả ở những nước giàu, người dân luôn bị ám ảnh “phải dùng một thứ gì đó vì cơ thể luôn thiếu chất gì đó”, hoặc “muốn khỏe mạnh thì phải dùng thực phẩm chức năng bổ sung”... Trong khi đó ngành y tế thì lại hưởng lợi từ việc kê đơn thuốc, tư vấn bán thực phẩm chức năng cho mọi người.

Các số liệu cho thấy 15% dân số Anh dùng hơn 5 loại thuốc theo toa mỗi ngày. Con số này là 20% tại Mỹ và Canada cho những người trên 40 tuổi. Lối sống nhanh, áp lực và ô nhiễm môi trường hiện nay khiến con người dễ ốm hơn và chăm dùng thực phẩm chức năng hơn đã khiến ngành dược phẩm làm ăn phát đạt.

Tại Mỹ, có đến 2/3 người trên 65 tuổi uống ít nhất 5 loại thuốc theo toa mỗi ngày. Trong khi đó có ¼ số người trên 65 tuổi ở Canada uống hơn 10 loại thuốc mỗi ngày.

Tờ Economist cho biết rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra con người đang dùng nhiều thuốc và thực phẩm chức năng quá mức cần thiết thay vì điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục hợp lý. Đồ ăn nhanh đã thay thế đồ tự nấu, thức khuya thay cho ngủ đúng giờ, xem điện thoại thay cho thể dục và uống thuốc thay ăn cơm.

Một nghiên cứu tại Canada cho thấy hơn một nửa số người già tại nước này uống ít nhất 1 loại thuốc theo toa không phù hợp, hoặc chẳng có tác dụng gì mà đơn thuần dùng chỉ vì sợ hãi.

Tương tự vào năm 2021, một nghiên cứu khác ở Anh kết luận ít nhất 10% số đơn thuốc kê bởi các bác sĩ gia đình, dược sĩ không thật sự cần thiết cho bệnh nhân. Hầu hết những đơn thuốc và thực phẩm chức năng này chỉ mang tính trấn an mọi người hơn là có tác dụng hiệu quả như quảng cáo trên bao bì.

Theo Economist, thuốc và thực phẩm chức năng là những chất hóa học và chắc chắn luôn đi kèm tác dụng phụ khi được nạp vào cơ thể. Người dùng càng uống nhiều thì cơ thể càng phải chịu đựng những tác dụng phụ này.

Làm giàu trên xác chết?

Người tiêu dùng ngày nay đang bị biến thành những “con cừu” của các hãng dược phẩm khi tình trạng lạm dụng thuốc khiến các đại gia trong ngành giàu lên, còn người chết thì cứ chết.

Nghiên cứu của một bệnh viện tại Liverpool-Anh cho thấy gần 1/5 số ca nhập viện hiện nay là do phản ứng với thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Số liệu của Viện The Lown Institute cho thấy trong khoảng 2020-2030, lạm dụng thuốc tại Mỹ sẽ khiến 150.000 người chết và 4,5 triệu bệnh nhân nhập viện mỗi năm.

Với ngành y tế, việc hạn chế dùng thuốc cho bệnh nhân là điều khó khăn bởi việc này sẽ làm gia tăng trách nhiệm của bác sĩ với người bệnh. Họ sẽ phải giám sát bệnh nhân nhiều hơn để điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống cùng những thứ khác thay thế cho uống thuốc.

Nhiệm vụ này tốn thời gian, tiền bạc hơn rất nhiều so với việc chỉ kê đơn thuốc hay tư vấn thực phẩm chức năng cho người bệnh.

Thậm chí nhiều bệnh nhân chỉ cảm thấy yên tâm khi bác sĩ kê cho đơn thuốc gì đó, hoặc đang uống thực phẩm chức năng nào đó để “tăng cường sức khỏe”.

Tuy nhiên giới y khoa đang dần thay đổi khi kêu gọi các đồng nghiệp chuyển hướng hạn chế bán dược cho bệnh nhân, dù điều này có thể khiến gia tăng trách nhiệm và mất nguồn thu của bác sĩ.

Cục quản lý chăm sóc sức khỏe quốc gia (NHS) của Anh đã lên kế hoạch kiểm soát việc kê đơn quá mức gây lạm dụng thuốc vào năm 2021. Một cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên về vấn đề này cũng đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022 tại Đan Mạch.

“Mọi người đang cảm thấy cuộc sống của họ chỉ xoay quanh việc uống thuốc và thực phẩm chức năng vậy”, giáo sư Michael Steinman của trường đại học California nhận định khi cho biết con người càng uống nhiều thuốc thì tỷ lệ uống nhầm dẫn đến lạm dụng dược phẩm càng cao.

Uống độc giải khát?

Theo bác sĩ Reeve ở Adelaine, rất nhiều người bệnh dùng thuốc và thực phẩm chức năng tác động lên cùng một hệ thống sinh học trong cơ thể mà không nhận thức được vấn đề.

Ví dụ thành phần kháng Cholinergic ngăn chặn Acetylchiline, một chất truyền dẫn thần kinh, xuất hiện trong rất nhiều loại dược phẩm khác nhau, từ thuốc chống dị ứng đến chống trầm cảm. Thế nhưng không phải bác sĩ hay bệnh nhân nào cũng chú ý đến điều đó khi dùng kết hợp.

Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu Barbara Farrell của Viện Bruyere Research Institute tại Canada cho biết việc dùng quá liều kháng Cholinergic có thể khiến bệnh nhân choáng váng hoặc bối rối. Thế nhưng biểu hiện này lại thường bị gán sai cho tuổi già, bệnh tật.

Thậm chí giáo sư Steinman của trường đại học California còn cho biết nhiều phản ứng phụ của thuốc và thực phẩm gây nên hiểu nhầm và khiến người bệnh tiếp tục mua dược để trị.

Ví dụ những thuốc có chưa thành phần ngăn chặn tái hấp thu Serotonin, một chất truyền dẫn thần kinh, có thể gây run tay chân và mất ngủ nếu uống quá liều. Tuy nhiên điều này lại bị gán cho tuổi già hoặc bệnh Parkinson và hậu quả là vô số thuốc cùng thực phẩm chức năng khác được kê đơn theo đó.

Một ví dụ khác là nhiều loại thuốc gây ra huyết áp thấp và dẫn đến những chẩn đoán sai lầm khác, kéo theo những đơn thuốc và thực phẩm chức năng khác.

Tồi tệ hơn, việc kết hợp quá nhiều dược phẩm sẽ đem lại những phản ứng sinh hóa có hại trong cơ thể mà chính nhà sản xuất cũng không chắc. Việc thử nghiệm lâm sàng có xu hướng chỉ tác động vào một loại thuốc tại một thời điểm nhất định mà không có đủ nguồn lực, tài chính, thời gian để kiểm tra phản ứng với tất cả nguyên liệu trong mọi trường hợp.

Bác sĩ hay dược sĩ thì cũng chỉ có thể tham khảo các tài liệu mà không thể kiểm tra chính xác những phản ứng diễn ra khi uống nhiều thuốc vào cơ thể. Họ cũng không thể biết người bệnh sẽ mua chính xác những sản phẩm gì, dùng liều lượng như thế nào, sinh hoạt ra sao.

Ví dụ thuốc ngủ có thể khiến người trẻ hơi ngái ngủ vào sáng hôm sau nhưng chúng có thể tạo nên triệu chứng lơ mơ cả ngày cho người già vì cơ thể chuyển hóa dược kém hiệu quả hơn.

“Kê đơn cho đúng là điều cực kỳ khó làm hiện nay bởi các thử nghiệm lâm sàng thuốc mới không thể đúng hết với mọi trường hợp, nhất là khi những người già hay bị loại khỏi các thử nghiệm này”, bác sĩ Farrell của Viện Bruyere cảnh báo.

Thế rồi câu chuyện nhập nhằng bệnh án khiến một bác sĩ tim mạch có thể kê toa cho bệnh nhân mà chẳng biết bác sĩ điều trị phổi đã kê một loại thuốc có thành phần tương tự.

Cây rụng tiền

Tờ Economist cho biết tình trạng lạm dụng thuốc hiện nay phần lớn là do chẳng có ai nhắc nhở hoặc thật lòng quan tâm đến chuyện dừng thuốc lại cả.

Tại Mỹ, số liệu cho thấy 1/5 số bệnh nhân hậu giải phẫu vẫn dùng Gabapentin, một loại thuốc giảm đau mạnh đến 90 ngày sau đó trong khi quy định tối đa là 4 tuần.

Một khảo sát khác cho thấy 80% số bệnh nhân sẽ nghe lời bác sĩ dừng thuốc hoặc thực phẩm chức năng nếu được khuyến cáo. Thế nhưng phần lớn chuyên gia lại cho rằng bệnh nhân sẽ chẳng nghe lời khuyên vì tâm lý “phải uống gì đó mới khỏe”.

Tệ hơn, mối liên kết lợi nhuận giữa ngành dược và y tế khiến nhiều chuyên gia chẳng quan tâm lắm đến tình trạng lạm dụng thuốc của người bệnh. Các hãng dược phẩm thì cũng chẳng muốn tốn quá nhiều tiền cho nghiên cứu lâm sàng miễn là chúng lấy được giấy phép.

“Với hơn 1 tỷ loại dược phẩm được phân phối mỗi năm thì việc kê đơn đúng, tư vấn có tâm sẽ cứu được sinh mạng của hàng triệu người”, bác sĩ Keith Ridge, người đứng đầu mảng dược phẩm của NHS England tổng kết.

*Nguồn: Economist

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng ở Mỹ: Khi ngành y tế chăm chăm hưởng lợi từ bán dược, biến bệnh nhân thành những ‘con cừu’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO