Chi phí lãi vay tăng hơn 40% trong quý I bất chấp nỗ lực hạn chế vay nợ

Hồng Minh | 08:10 14/06/2023

Thống kê báo cáo tài chính của hơn 1.000 công ty đại chúng công bố thông tin cho thấy chi phí tài chính quý I/2023 các doanh nghiệp đã tăng tới 40% dù giá trị các khoản vay ngắn và dài hạn chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ.

Chi phí lãi vay tăng hơn 40% trong quý I bất chấp nỗ lực hạn chế vay nợ

Nội dung chính

  • Các doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao cho các khoản vay mới và các khoản vay cũ với lãi suất thả nổi. 
  • Chi phí lãi vay tăng vọt khiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý I/2023 giảm sâu. 
  • Chính sách giảm lãi suất điều hành vẫn có độ trễ. 

Báo cáo tài chính quý I/2023 một doanh nghiệp xây dựng cho thấy công ty này đã phải huy động gần 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong quý với lãi suất 17,75%. Tình trạng các khoản vay mới được chấp thuận với mức lãi suất cao là tình hình chung của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong quý I vừa qua. 

Thống kê 1.069 doanh nghiệp (trừ ngân hàng, công ty chứng khoán) cho thấy các doanh nghiệp phải chi hơn 23.300 tỷ đồng chi phí lãi vay trong quý I/2023, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, dư nợ vay ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp cuối quý I/2023 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. 

Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, tồn kho giảm giá... các ngân hàng thay vì giảm lãi suất để hỗ trợ, lại thường tăng lãi suất để bù đắp rủi ro mà ngân hàng phải chịu. Đó là lý do khiến lãi suất cho vay các doanh nghiệp vẫn đang ở mức cao trong quý I vừa qua bất chấp nỗ lực giảm lãi suất điều hành của các cơ quan quản lý. 

Ngoài ra, khi lãi suất thị trường tăng, lãi suất với các khoản vay cũ (vay ngân hàng và phát hành trái phiếu) cũng được điều chỉnh tương ứng do điều khoản về lãi suất thả nổi. 

Chi phí lãi vay các doanh nghiệp tăng mạnh trong bối cảnh doanh thu quý I đã giảm 3,9% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 các doanh nghiệp đã giảm 30,4% so với cùng kỳ. 

Giảm vay nợ, chi phí lãi vay vẫn tăng

Thống kê cho thấy Top 10 doanh nghiệp có chi phí lãi vay cao nhất quý I/2023 có tổng mức chi tới 9.145 tỷ đồng, tăng 73,6% so với cùng kỳ - cao hơn mức tăng chung của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp thuộc Top 10 đều có mức chi lãi vay trên 300 tỷ đồng - có nghĩa là mỗi ngày các doanh nghiệp phải chi hơn 3 tỷ đồng lãi vay. 

Trong điều kiện lãi suất tăng, các doanh nghiệp nhìn chung đều nỗ lực giảm vay nợ. Tuy nhiên, việc giảm vay nợ không giúp các doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay trong kỳ. 

Trong các doanh nghiệp nặng gánh lãi vay nhất, có tới 4 doanh nghiệp đã giảm nợ vay trong một năm, bao gồm TCT Phát điện 3 (EVNGenco3), Vietnam Airlines, Vietjet Air và Gelex. Hòa Phát tăng nhẹ 0,8%. 

Việc giảm lãi suất có độ trễ

Từ 25/5/2023, một loạt quyết định hạ lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành. Các ngân hàng thương mại cũng liên tục giảm lãi suất đầu vào cho các khoản tiền gửi tiết kiệm. Thông thường, lãi suất cho vay khó giảm ngay lập tức khi các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Độ trễ thường từ 1 đến 2 tháng.

Các ngân hàng cần có thời gian để cân đối nguồn tiền đã huy động từ nửa năm trước với lãi suất lên tới 12%. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhìn chung đang bị thu hẹp do sức cầu yếu. 5 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 3,17%, trong khi mức tăng cùng kỳ năm ngoái đạt xấp xỉ 8%. 

Mặc dù kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định vấn đề với các doanh nghiệp hiện nay không chỉ là lãi suất. 

PMI, chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam đã có ba tháng liên tiếp ở mức dưới 50 điểm, là dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ về việc thiếu hụt đơn hàng, các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh trong ít nhất ba tháng tiếp theo. 

Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho rằng, quyết định giảm lãi suất là động lực hỗ trợ và kích thích nền kinh tế nhưng quan trọng vẫn là nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh thiếu hụt đơn hàng, thậm chí khó khăn sẽ còn tăng cao trong quý II/2023. 

Việc giảm lãi suất có thể tác động tích cực lên tình hình chi phí lãi vay trong quý II tới, nhưng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, không chỉ chi phí lãi vay. Thống kê kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp đã công bố, kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp khối phi tài chính giảm hơn 20%. Trong báo cáo về bức tranh lợi nhuận quý I/2023, FiinGroup cũng nhận định triển vọng lợi nhuận chung của các doanh nghiệp năm 2023 là không khả quan. 

* Dữ liệu báo cáo tài chính các doanh nghiệp được lấy từ ứng dụng FiinPro - X - một sản phẩm của FiinGroup. Dữ liệu được trích xuất từ 1.069 doanh nghiệp phi tài chính công bố báo cáo tài chính, phần lớn các doanh nghiệp được niêm yết và đăng ký giao dịch trên 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chi phí lãi vay tăng hơn 40% trong quý I bất chấp nỗ lực hạn chế vay nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO