Vì sao giới đầu tư đang dần rời bỏ Trung Quốc, chuyển sang các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ?

Vũ Anh | 15:11 12/06/2023

Không còn muốn 'đặt hết trứng vào một giỏ', giới đầu tư toàn cầu đặt niềm tin vào các nước láng giềng của Trung Quốc.

Vì sao giới đầu tư đang dần rời bỏ Trung Quốc, chuyển sang các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ?

Đà phục hồi kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc đang thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các sự lựa chọn thay thế, theo CNBC. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ nằm trong số những quốc gia được hưởng lợi, một phần do dữ liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đạt kỳ vọng các chuyên gia. 

“Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm lại, các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm cơ hội ở những quốc gia khác trong khu vực”, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs Andrew Tilton nhận định trong một báo cáo, đồng thời cho biết Nhật Bản và Ấn Độ đang được coi là ‘điểm dừng chân’ lý tưởng. 

Theo CNBC, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng hơn 23% kể từ đầu năm đến nay nhờ thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả Warren Buffett. Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ quý này tăng 7%, trong khi Kospi của Hàn Quốc tăng 18% từ đầu năm đến nay.

Điều này trái ngược hoàn toàn với tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số CSI 300 đo lường các công ty lớn nhất niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã mất 5,29% giá trị từ đầu quý II đến nay, đồng thời xóa sạch mọi thành tựu phục hồi hồi đầu năm khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

“Tâm lý lạc quan của giới đầu tư với Trung Quốc đã suy yếu và theo quan điểm của chúng tôi, nó đang ở quanh mức thấp nhất trong thập kỷ qua”, Tilton của Goldman Sachs cho biết.

Các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn là nhân tố chủ chốt giúp thúc đẩy thị trường Nhật Bản. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính nước này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong khi giới đầu tư trong nước mua ròng trái phiếu nước ngoài.

Theo Reuters, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá 342,18 tỷ Yên (2,45 tỷ USD) trong tuần kết thúc vào ngày 2/6. Tính cả năm nay, họ đã mua tổng cộng khoảng 6,65 nghìn tỷ Yên (khoảng 47 tỷ USD).

Morgan Stanley rất lạc quan về Nhật Bản. Trong triển vọng toàn cầu giữa năm, ngân hàng dự đoán thị trường này sẽ vượt trội hơn so với các khu vực khác trên toàn cầu: “Nhật Bản là điểm đến ưa thích nhất của chúng tôi. ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) được cải thiện, trong khi triển vọng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) vượt trội”, Giám đốc đầu tư Mike Wilson cho biết.

1200x-1-2023-06-12t150855.329.jpg
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng hơn 23% kể từ đầu năm đến nay nhờ thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, đà phục hồi chậm chạp của kinh tế Trung Quốc cũng khiến giới đầu tư để mắt tới Hàn Quốc. Cổ phiếu công nghệ nước này là động lực chính.

“Chúng tôi ưu tiên chất bán dẫn châu Á trong 3-6 tháng tới và Hàn Quốc là sự lựa chọn lý tưởng”, đại diện UBS nói. 

Goldman Sachs cũng đặt niềm tin vào thị trường Hàn Quốc, đồng thời dự đoán sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi khá lạc quan về Hàn Quốc”, đại diện Goldman Sachs nhấn mạnh. 

Dữ liệu từ Hiệp hội Tài chính Hàn Quốc cho thấy quỹ thị trường tiền tệ (MMF) nước này ghi nhận con số cao kỷ lục hồi cuối tháng 5. Tổng tài sản quỹ đang quản lý đạt 172,7 nghìn tỷ won (134 tỷ USD), tức tăng 22% kể từ cuối tháng 9 năm ngoái. Được biết, quỹ thị trường tiền tệ chủ yếu đầu tư ngắn hạn, có tính thanh khoản cao và được đánh giá là khá an toàn trong bối cảnh thị trường biến động.

“Động lực đến từ việc các nhà đầu tư chuyển hướng sang các quỹ chất lượng cao, chẳng hạn như MMF”, chuyên gia phân tích cấp cao của Fitch Ratings, Chloe Andrieu, cho biết.

Để so sánh, các quỹ mới ra mắt tại Trung Quốc chỉ huy động được tổng cộng 432,1 tỷ nhân dân tệ (61 tỷ USD), theo dữ liệu từ công ty tư vấn địa phương Z-Ben Advisors.

Căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung cũng khiến nhiều nhà đầu tư ‘quay xe’ và đa dạng hoá chuỗi cung ứng vào Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng tăng trưởng kinh tế nhờ lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động là vô cùng nhiều. Thị trường tiêu dùng rộng lớn cùng nguồn lao động giá rẻ cũng đang thu hút sự chú ý của các đối tác thương mại toàn cầu.

1200x-1-2023-06-12t150912.129.jpg
Đà phục hồi chậm chạp của kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư để mắt tới Hàn Quốc.

Trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và nâng cao xuất khẩu, chính phủ Ấn Độ còn tìm cách ký kết các hiệp định thương mại tự do. Kể từ năm 2021, nước này đã ký thỏa thuận với Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Mauritius. Ấn Độ cũng đang đàm phán một số thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada.

“Mọi người ngày càng nói nhiều về tiềm năng Ấn Độ trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng”, Tilton nói, sau đó trích dẫn triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kỳ vọng quốc gia Nam Á sẽ vượt trội so với tất cả các nền kinh tế lớn mới nổi và tiên tiến trong năm nay với mức tăng trưởng GDP 5,9%. Để so sánh, nền kinh tế Đức và Anh được cho là trì trệ, trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%.

Do đó, nếu có thể duy trì đà phát triển, Ấn Độ sẽ vượt qua Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2026, sau đó đánh bật Nhật Bản khỏi vị trí thứ ba vào năm 2032, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.

Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ rơi vào khoảng hơn 900 triệu người, theo dữ liệu năm 2021 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Theo Capital econom, trong vài năm tới, lực lượng lao động trên có thể lớn hơn cả Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế của các bạn,” Donald Lu, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, chia sẻ với hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.

Theo: CNBC, CNN


 


(0) Bình luận
Vì sao giới đầu tư đang dần rời bỏ Trung Quốc, chuyển sang các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO