Các trader có một cụm từ để miêu tả mức độ khó đoán của thị trường tài chính, đó là “tốt hơn là đừng nên tỏ ra thông minh”. Cổ phiếu và cả thị trường tài chính đôi khi có diễn biến theo xu hướng không thể lường trước.
Các nhà phân tích từng dự đoán rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu Donald Trump đắc cử vào năm 2016, song diễn biến khi đó thì ngược lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi cũng chứng kiến cổ phiếu giảm. Việc dự đoán về tương lai thường mang lại lợi thế cho nhà đầu tư nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Giả sử, vào đầu năm 2021, ai cũng nhận thấy lạm phát sẽ tăng cao, hậu quả của việc các NHTW in tiền ồ ạt và kích thích tài khoá quá mạnh tay. Ngoài ra, tình hình giá cả cũng bị “châm ngòi” bởi mâu thuẫn Nga - Ukraine. Trong bối cảnh như vậy, hầu như ai cũng sẽ đổ số tiền tiết kiệm cả đời vào vàng.
Song, mọi thứ lại không diễn ra theo cách đó. Giá vàng gần như không tăng trong 2 năm qua. Ngày 1/1/2021, giá vàng ở khoảng 1.900 USD/ounce và hiện dao động ở mức 1960 USD. Và lợi nhuận là 3%.
Vậy chuyện gì đang xảy ra? Việc tìm ra mức giá phù hợp đối với vàng là một việc không mấy dễ dàng. Những “fan hâm mộ” của vàng chỉ ra rằng vai trò của kim loại quý này là loại tài sản có khả năng lưu trữ giá trị. Nhìn chung, đây lại là một hiện tượng kỳ lạ, vì trái ngược với cổ phiếu và trái phiếu, vàng lại không tạo ra dòng tiền hay cổ tức.
Với bản chất như vậy, việc vàng không mang lại lợi nhuận “không đáng kể” trong những năm gần đây đang trở nên rõ ràng hơn. Vì không tạo ra dòng tiền, nên giá vàng có xu hướng đối nghịch với lãi suất thực. Trong bối cảnh thị trường an toàn, thì loại lãi suất “chất lượng” như trái phiếu chính phủ tạo ra lại ở mức cao và loại tài sản không tạo ra dòng tiền sẽ kém hấp dẫn hơn.
Dù có những lo ngại về lạm phát tăng cao, thì diễn biến của lãi suất lại được thị trường chú ý nhiều hơn. Kết quả là, ngay cả khi lạm phát tăng vọng, trái phiếu kỳ hạn dài vẫn được nắm giữ nhiều một cách đáng ngạc nhiên. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ khoảng -0,25% vào đầu năm 2021 lên 1,4% hiện tại.
Năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Fed Chicago đã phân tích các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng kể từ năm 1971, kể từ khi Mỹ loại bỏ chế độ bản vị vàng (gold standard). Họ xác định 3 mục đích sử dụng vàng: là “hàng rào” chống lạm phát, phòng vệ trước thảm hoạ kinh tế và phản ánh lãi suất. Sau đó, các chuyên gia theo dõi giá vàng dựa theo những thay đổi trong kỳ vọng lạm phát, tâm lý với đà tăng trưởng kinh tế và lãi suất thực, với dữ liệu hàng năm, quý và ngày.
Kết quả là, tất cả những yếu tố trên thực sự ảnh hưởng đến giá vàng. Lim loại này dường như có hiệu quả “chống” lạm phát và giá cả tăng cao khi nền kinh tế ảm đạm. Lạm phát tăng cao là động lực lớn nhất của giá vàng trong những năm 1970, 1980 và 1990.
Song, tác động của lãi suất đối với giá vàng lại lớn hơn, khi các nhà nghiên cứu chỉ ra từ năm 2001 trở đi, lãi suất thực trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế mới là yếu tố tác động mạnh mẽ.
Nhìn chung, vàng vẫn đóng vai trò là “hàng rào” chống lại lạm phát, song lạm phát không phải là biến số quan trọng duy nhất với giá của kim loại quý này. Vàng tăng giá trong thời kỳ lạm phát nếu các NHTW không đưa ra bất kỳ động thái nào, hay lãi suất thực giảm, hay nhà đầu tư mất niềm tin vào các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, chu kỳ lạm phát hiện tại không diễn ra theo xu hướng như vậy.
Có thể nói, diễn biến khó hiểu gần đây của giá vàng cho thấy việc chỉ dự đoán tương lai mà không tìm ra nguyên nhân chính xác của xu hướng trong hiện tại là một điều nguy hiểm.
Tham khảo Economist