Trong những năm gần đây giá biệt thự, liền kề, shophouse tại Hà Nội liên tục tăng giá mạnh, thậm chí chỉ trong vòng 3 năm giá đã tăng gấp 2 - 3 lần. Theo đó, trước kia giới đầu tư bất động sản cho rằng, liền kề và biệt thực là kênh đầu tư “hái ra tiền” và bền vững. Bởi ngoài việc giá trị tăng cao theo thời gian thì có có thể thu lời từ việc cho thuê kinh doanh.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ giữa năm ngoái và kéo dài tới nay, theo đó những phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền, liền kề, biệt thự,... giá bán thứ cấp cũng giảm mạnh. Thậm chí, nhiều chủ nhà dù rao bán cắt lỗ, giảm giá sâu nhưng suốt thời gian dài cũng chưa có người mua.
Anh Nguyễn Tuyến, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội cho biết, anh theo dõi thị trường trong giai đoạn 2019 - 2021 giá liền kề, shophouse liên tục tăng. Theo đó, đến đầu năm 2022, có sẵn 10 tỷ đồng trong tay anh đã bàn với vợ đầu tư một căn để đầu tư kiếm lời và cho thuê lại.
“Được môi giới đưa đi xem nhà tại nhiều khu đô thị, cuối cùng vợ chồng tôi chốt vay thêm 12 tỷ đồng mua một căn shophouse tại quận Hoàng Mai với diện tích 79m2 với mức giá 22 tỷ đồng”, người này kể.
Tuy nhiên, anh Tuyến mua xong chưa được bao lâu thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Đồng thời, anh Tuyến cũng không tìm được người cho thuê kinh doanh nên căn nhà “cửa đóng then cài” suốt một thời gian dài.
“Đến nay, khoản vay của tôi đã hết ưu đãi lãi suất năm đầu tiên và lãi suất thả nổi lên tới 14%/năm, mỗi tháng phải trả hơn 100 triệu đồng cả gốc và lãi. Trong khi đó, tình hình kinh doanh đồ nội thất của gia đình cũng bị ảnh hưởng từ sự trầm lắng của bất động sản. Tình hình tài chính của gia đình trở nên khó khăn hơn nên tôi đã quyết định bán căn nhà”, nhà đầu tư này kể.
Để bán nhanh anh Tuyến đã chấp nhận cắt lỗ so với thời điểm mua và liên hệ với nhiều môi giới, chấp nhận mức hoa hồng lên tới 3%. Song, đến nay đã 3 tháng rao bán, căn nhà của anh Tuyến vẫn chưa tìm được chủ mới.
“2 tháng gần đây gia đình tôi phải dồn toàn lực để đóng tiền gốc và lãi, thậm chí phải vay người quen để đủ tiền thanh toán. Hy vọng sẽ sớm bán được căn nhà để gia đình tôi bớt áp lực tài chính”, anh Tuyến nói.
Đang nắm giữ 2 căn shophouse tại khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, anh Trần Tú như đang “ngồi trên đống lửa”. Anh Tú cho biết, 2 căn shophouse được mua vào thời điểm cuối năm 2021 với tổng số tiền là 35 tỷ đồng, trong đó có 17 tỷ đồng là đi vay.
“Mục đích ban đầu của tôi chỉ đầu tư trong 1 năm sẽ bán kiếm lời. Đầu năm 2022, có người hỏi mua 2 căn nhà với mức chênh khoảng 10% so với thời điểm mua nhưng tôi không bán và quyết giữ đúng mục tiêu ban đầu để được lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng rơi vào trầm lắng, lãi suất tăng cao nhiều căn nhà tương tự của tôi được rao bán với mức giá rẻ hơn nhiều”, anh Tú nói.
Lãi suất neo cao, đứng trước áp lực tài chính anh Tú đành rao bán trước một căn shophouses với mức cắt lỗ 25%, song hơn 1 tháng nay chỉ có một vài người tới xem rồi không liên lạc lại.
“Môi giới cũng nói với tôi, những bất động sản giá trị cao hiện nay khó bán có thể cần thời gian dài, nếu muốn bán gấp phải giảm giá thêm”, người này chia sẻ.
Thực tế, thị trường bất động sản hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhiều người mua vẫn có tâm lý chờ đợi giá sẽ giảm thêm. Đặc biệt là phân khúc bất động sản có giá trị cao hiện nay khó thanh khoản.
Theo báo cáo mới đây của Savills, trong quý đầu năm nay, thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm, đồng thời niềm tin của người mua giảm. Do vậy, phân khúc nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội trong quý I chỉ có 88 giao dịch, giảm 78% theo năm, đây là tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất kể từ 2016 tới nay.
Theo JLL Việt Nam, nguồn cung thị trường nhà liền thổ gồm nhà liền kề, biệt thự tiếp tục chứng kiến một quý ảm đạm khi nhiều dự án lớn ngừng mở bán trong quý I năm nay. Bên cạnh nguồn cung mới giảm sâu, do tâm lý thị trường yếu kém cùng với các khó khăn trong vấn đề giải ngân khiến hoạt động giao dịch trong quý I của thị trường nhà liền thổ (biệt thự, liền kề) gần như đóng băng.
Đáng chú ý, một vài dự án nhỏ và vừa chứng kiến nhiều giao dịch hoàn cọc hay trả hàng do ngân hàng siết chặt room tín dụng cho vay bất động sản, khiến người mua không đủ khả năng chi trả. Điều này khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý chạm mức âm.
Theo anh Nguyễn Trường Giang, Giám đốc văn phòng môi giới bất động sản Thành Đạt, hiện nay trên thị trường hiện nay một số sản phẩm phục vụ nhu cầu thực vẫn có khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, các phân khúc liền kề, shophouse chủ yếu là đầu cơ mà ít có nhu cầu thực.
“Những bất động sản giá trị cao như liền kề, shophouse hiện nay không phải ai cũng đủ tài chính để mua vào dù mức giá đã giảm. Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất vẫn neo cao nên nhiều người muốn mua nhưng vẫn chờ đợi giá giảm sâu hơn”, anh Giang nói.