Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia tăng mạnh nhờ ưu thế tuyệt đối về giá

Lê Giang | 17:51 09/02/2023

Hiệp định về vận tải thủy Việt Nam – Campuchia được ký năm 2009 và có hiệu lực từ tháng 1/2011, tính đến nay, sản lượng vận tải của tuyến này tăng đột biến nhờ ưu thế giá rẻ.

Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia tăng mạnh nhờ ưu thế tuyệt đối về giá
Ảnh minh họa

Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải VN (VISABA), ông Phạm Quốc Long cho biết, hiện nay có nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, tuy nhiên vận tải đường thủy có ưu thế tuyệt đối về giá thành.

“Chi phí vận tải đường thủy thấp hơn 50 - 60% so với các phương thức vận tải khác. Số lượng vận tải cũng được nhiều hơn, giảm áp lực cho đường bộ, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường”, ông Long nói và dẫn ví dụ: Một tàu vận tải thủy có thể chở được khoảng 200 container, chạy thẳng. An ninh hàng hóa, an toàn giao thông, chống buôn lậu… chắc chắn tốt hơn 200 xe container chạy bằng đường bộ.

Thêm vào đó, chở bằng đường thủy chỉ cần kẹp 1 seal (niêm phong kẹp chì), nên giúp tiết kiệm, chống lãng phí hơn rất nhiều so với mỗi xe container phải kẹp 1 seal. Việc vận chuyển càng rẻ, giao thương giữa hai nước càng tăng cường và tăng được hiệu quả kinh tế.

“Giá cước vận chuyển bằng đường thủy từ TP.HCM - Campuchia hiện khoảng 550 USD/cont 40 feet. Trong khi nếu vận tải bằng đường bộ, mức giá cước sẽ là 1.600 USD/cont 40 feet. Tùy theo sản lượng từng năm, doanh nghiệp thậm chí có thể tiết kiệm hàng chục triệu USD/năm”, ông Long nói.

Đây cũng là lý do sản lượng hàng vận tải đường thủy giữa Việt Nam - Campuchia liên tục tăng mạnh sau khi Hiệp định vận tải giữa 2 nước được ký kết.

Theo số liệu thống kê của Cục Đường thủy nội địa VN: Năm 2021, sản lượng vận tải thủy giữa hai nước đạt gần 350.000 Teus và hơn 800.000 tấn hàng lỏng, hàng rời. Con số này trong năm 2022 vào khoảng 400.000 Teus và khoảng 1 triệu tấn hàng lỏng, hàng rời.

Từ khi Hiệp định có hiệu lực, hai nước đã làm thủ tục cho gần 78 nghìn lượt phương tiện, hơn 406 nghìn lượt thuyền viên, gần 20 triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách thông qua; đem lại công việc cho người lao động và nguồn lợi khoảng 60 triệu USD/năm cho các doanh nghiệp vận tải thủy, doanh nghiệp xếp dỡ của Việt Nam.

Đáng chú ý, theo Cục Đường thủy nội địa VN, tuyến vận tải thủy này đã thu hút sự góp mặt của rất nhiều “ông lớn” trong làng vận tải thủy như: SNP, Gemadept, GLS, Tân Cảng Cypress…

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện có khoảng 80 sà lan chở dầu (trọng tải đến 3.000 tấn), khoảng 150 sà lan chở hàng khô (trọng tải đến 4.600 tấn), khoảng 30 sà lan chở container (trọng tải 96 - 250 Teus) và 20 phương tiện chở khách (30 - 100 ghế) tham gia vận tải trên tuyến.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều thủ tục cần gỡ bỏ để tăng lợi thế cạnh tranh.

Theo Chủ tịch VISABA Phạm Quốc Long, hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Campuchia được trung chuyển qua cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải chủ yếu là hàng nông sản, may mặc. Còn từ Việt Nam xuất đi đa số là nông sản, vật liệu xây dựng.

Vướng mắc lớn nhất đối với hàng quá cảnh của Campuchia là phải thực hiện một số thủ tục hải quan. Nhiều hàng hóa trên tuyến chỉ là hàng mang tính chất trung chuyển, không phải hàng xuất nhập khẩu.

Do đó, các thủ tục về hải quan cần thông thoáng hơn, hạn chế tỷ lệ kiểm hóa hàng quá cảnh.

“Cần thiết sửa đổi Thông tư 39 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; Thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, ông Long đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vận tải thủy Việt Nam – Campuchia tăng mạnh nhờ ưu thế tuyệt đối về giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO