Vận may đột ngột chấm dứt vào năm 2022, tương lai ảm đạm đang chờ đón các công ty công nghệ trong năm 2023

Vân Đàm | 10:32 07/01/2023

Vận may của những công ty công nghệ đã bốc hơi vào năm 2022, dự đoán năm 2023 vô cùng khó khăn phía trước.

Vận may đột ngột chấm dứt vào năm 2022, tương lai ảm đạm đang chờ đón các công ty công nghệ trong năm 2023

Dù nền kinh tế có ra sao, mặt trời vẫn luôn chiếu sáng ở Thung lũng Silicon. 5 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta – chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ở mức cao gấp 5 lần so với GDP của nước Mỹ trong suốt 1 thập kỷ qua cho tới năm 2021. Thời kỳ đại dịch, các công ty này thậm chí càng trở nên thịnh vượng hơn, ghi nhận lợi nhuận nhiều hơn.

Nhưng vận may của những công ty công nghệ đã bốc hơi vào năm 2022. Đây là một năm khó khăn với tất cả mọi người: Chỉ số S&P500 đã giảm 1/5 kể từ tháng 1. Nhưng những công ty công nghệ thậm chí còn gặp khó khăn nhiều hơn, khi chỉ số NASDAQ đã mất 1/3 giá trị. 5 gã khổng lồ công nghệ kể trên gộp lại đã chứng kiến giá trị thị trường bốc hơi 3 nghìn tỷ USD. Meta là nạn nhân khổ nhất, họ mất 2/3 giá trị thị trường, và hiện vốn hoá chỉ còn trên 300 tỷ USD.

anh1-1.png

Có một vài nguyên nhân dẫn tới tình huống hiện tại. Một là sau nhiều năm tăng trưởng, thị trường kỹ thuật số đã bão hoà. Hãy nhìn vào mảng quảng cáo, mạch máu của Alphabet và Meta, và một mảng phụ đang phát triển của Amazon, Apple và Microsoft. Trong thời kỳ suy thoái trước đây, chi tiêu cho quảng cáo giảm nhưng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số vẫn tiếp tục tăng, do các nhà quảng cáo rút ngân sách của họ khỏi các phương tiện truyền thông cũ như truyền hình và báo chí và chuyển sang quảng cáo trực tuyến.

Ngày nay, phần lớn quá trình chuyển đổi đó đã hoàn tất: Khoảng hai phần ba chi tiêu quảng cáo ở Mỹ trong năm nay là kỹ thuật số. Do đó, các nền tảng quảng cáo trực tuyến rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi theo chu kỳ. Vào tháng 7, Meta đã báo cáo doanh thu hàng quý đầu tiên giảm; vào tháng 10 họ tiếp tục báo cáo 1 quý nữa chứng kiến doanh thu giảm.

Thay đổi tiếp theo là sự cạnh tranh. Trong nhiều năm, công nghệ đồng nghĩa với thị trường độc quyền: Google độc ​​quyền mảng tìm kiếm, Facebook thống trị mạng xã hội… Nhưng ngày này cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt. Một phần lý do khiến Meta gặp khó khăn là do các đối thủ mới, đặc biệt là TikTok, đã gây ra sự sụt giảm số lượng người dùng lần đầu tiên tại Facebook.

Các công ty công nghệ cũng đang xâm phạm nhiều hơn vào lãnh địa của nhau. Mảng điện toán đám mây của Amazon đã chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, một phần là do Google đang đổ hàng tỷ USD vào dịch vụ điện toán đám mây của riêng mình, chấp nhận những khoản lỗ lớn để giành được chỗ đứng trong ngành.

Netflix, trong nhiều năm gần như độc nhất trên thị trường, giờ đây phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ Disney và Warner Bros mà còn từ Apple và Amazon, những công ty có thể vung tiền nhiều hơn vào lĩnh vực tạo nội dung. Đó là một trong những lý do tại sao giá trị thị trường của Netflix đã giảm 50% trong năm nay.

Chưa kể đến việc, những thay đổi trong cấu trúc của ngành kinh doanh công nghệ trùng hợp với những cơn gió ngược đặc biệt gây rắc rối cho các công ty kỹ thuật số. Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã nâng lãi suất vào tháng 1 nhằm chống lại lạm phát. Điều này làm cho cuộc sống khó khăn hơn với tất cả các doanh nghiệp. Nhưng các công ty công nghệ, có mức định giá cao phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư rằng họ sẽ mang lại lợi nhuận vượt trội trong tương lai, trông kém hấp dẫn hơn nhiều trong một thế giới có lãi suất cao.

anh2-2.png

Lãi suất cao cũng đặc biệt gây khó khăn cho ngành đầu tư mạo hiểm (VC), vốn đặt cược dài hạn vào các công ty khởi nghiệp không có lãi. Giá trị của các giao dịch VC mới trên toàn cầu trong 11 tháng đầu năm 2022 thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm mạnh hơn so với sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-09.

Chất bán dẫn là một điểm nhức nhối khác trong thế giới công nghệ. Trong hai năm qua, nguồn cung chip đã tăng lên khi các nhà sản xuất tăng thêm công suất. Nhưng ngay khi sản xuất chip nở rộ, nhu cầu lại giảm do doanh số bán máy tính và điện thoại thông minh giảm.

Tồi tệ hơn nữa là do sự sụp đổ của thế giới tiền số, những người khai thác tiền số không còn cần đến bộ xử lý tiên tiến do Nvidia và AMD, hai nhà sản xuất chip lớn, chế tạo nữa. Vào ngày 21/12, Micron Technology, một nhà sản xuất chip nhớ của Mỹ, đã báo cáo khoản lỗ hàng quý và cho biết họ sẽ sa thải 1/10 nhân viên trong năm mới.

Căng thẳng địa chính trị càng khiến tình hình trở nên khó khăn. Mỹ đã công bố một số hạn chế thương mại mới đối với việc xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc, nước mua chip lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đã trở thành một nơi hoạt động rủi ro hơn.

Những đợt phong toả chống Covid đã khiến các nhà máy đột ngột bị đóng cửa. Apple, công ty sản xuất hầu hết các thiết bị của mình ở Trung Quố hiện đang dần chuyển dây chuyền sản xuất mới sang Ấn Độ và Việt Nam. Những trục trặc trong chuỗi cung ứng đã đè nặng lên công ty có giá trị nhất thế giới. Mặc dù vượt trội so với các công ty cùng ngành nhưng họ vẫn mất hơn 1/4 giá trị thị trường trong 12 tháng qua.

Những khó khăn này có nghĩa là năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với lĩnh vực công nghệ. Hầu hết đã đưa ra giải pháp cắt giảm chi phí, trong nhiều trường hợp có nghĩa là sa thải nhân sự.

Theo trang web Layoffs.fyi, các công ty công nghệ trên toàn thế giới đã thông báo cắt giảm hơn 150.000 việc làm cho đến năm 2022. Chỉ riêng Meta đã chiếm 11.000 trong số đó. Amazon đã nói với những sinh viên tốt nghiệp dự định bắt đầu làm việc vào tháng 5/2022 rằng họ sẽ phải đợi đến cuối năm 2023. Trong khi công nghệ từng có vẻ như là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư và nhiều người lao động, thì trong những tháng tới mọi chuyện sẽ khác.

Nguồn: The Economist

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vận may đột ngột chấm dứt vào năm 2022, tương lai ảm đạm đang chờ đón các công ty công nghệ trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO