Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 13/2 giảm 0,3% xuống 103,29.
Các nhà đầu tư dự đoán CPI tổng thể của Mỹ – công bố vào thứ Ba (14/2) sẽ tăng 0,5% trong tháng 1/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 12, trong đó CPI lõi tăng lên 0,4% trong tháng 1, từ mức 0,3% của tháng 12, kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.
Đồng euro trong phiên vừa qua có lúc chạm mức thấp nhất trong một tháng, là 1,0656 USD, nhưng kết thúc phiên đã lội ngược dòng và tăng 0,4% lên 1,0719 USD. Đồng bảng Anh tăng 0,6% lên 1,2134 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng, là 1,1961 USD, vào tuần trước.
Mặc dù nhìn chung giảm trong phiên này, song đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần so với đồng yen Nhật – vốn nhạy cảm với lãi suất do dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ lâu dài hơn thị trường dự đoán. Quan điểm này sẽ bị thách thức hoặc được xác nhận bởi dữ liệu CPI.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty thanh toán Convera ở Washington, cho biết: “Cổ phiếu tăng giá và lợi suất trái phiếu giảm trước khi dữ liệu lạm phát được công bố đang gây áp lực lên đồng USD”, "Tâm lý chấp nhận rủi ro trong giao dịch cũng đang đè nặng lên đồng yen, trong khi điều đó không giúp ích gì cho việc người đứng đầu tiếp theo của BOJ (Ngân hàng Nhật Bản) có thể không nhất thiết phải báo hiệu một sự thay đổi sắp xảy ra đối với chính sách lãi suất âm."
Đồng USD phiên đầu tuần có lúc tăng lên 132,91 yên, cao nhất kể từ ngày 6 tháng 1, kết thúc vẫn tăng 0,7% lên 132,34 yen.
Marc Chandler, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường của Bannockburn Forex ở New York, cho biết: “Thị trường không muốn bán USD để lấy yen trước khi dữ liệu CPI được công bố”.
Đồng bạc xanh theo xu hướng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm – đã tăng 1,7 điểm cơ bản lên 4,53%, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11.
Nhà phân tích Chandler của Bannockburn cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một đợt giảm giá của đồng USD sau đợt tăng mạnh vào tuần trước”, "Tôi không nghĩ rằng đồng tiền này đã vượt qua các ngưỡng quan trọng. Nhưng chúng ta đang củng cố một số vị trí sau những động thái diễn ra vào tuần trước và trước khi dữ liệu CPI được công bố vào ngày mai."
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là nguyên nhân chính khiến đồng yen giảm giá trong phiên vừa qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất mới trong 6 tuần, là 3,755%, và lợi suất kỳ hạn 2 tháng có lúc đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11, là 4,56%.
Đồng tiền của Nhật Bản đã giảm mạnh vào năm ngoái xuống mức thấp nhất trong 32 năm, là 151,94 JPY/USD, khi lãi suất của Mỹ tăng trong khi lãi suất của Nhật Bản ở mức gần bằng 0.
Sang năm 2023, đồng yen Nhật đã lấy lại được vị thế khi lãi suất của Mỹ có vẻ sắp đạt đỉnh và thị trường gia tăng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ từ bỏ lập trường chính sách cực kỳ nới lỏng. Tuy nhiên, cả hai kịch bản hiện có vẻ như đã bị trì hoãn.
Các nguồn tin hôm thứ Sáu cho biết cựu thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Nhật Bản, Kazuo Ueda, sẽ trở thành thống đốc tiếp theo của BOJ. Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, ông Ueda cho biết việc BOJ duy trì chính sách cực kỳ nới lỏng hiện tại là phù hợp.
Tại Mỹ, thị trường tiền tệ đang xác định lãi suất của Mỹ sẽ đạt mức cao nhất là 5,2% vào khoảng tháng 7, cao hơn nhiều so với mức 4,5-4,75% hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết những người tham gia thị trường đã giảm kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất mạnh vào cuối năm nay.
Ở những nơi khác, đồng franc Thụy Sĩ mạnh lên sau khi dữ liệu lạm phát của Thụy Sĩ cao hơn dự kiến. Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất là 0,9193 franc Thụy Sĩ, trước khi hồi phục nhẹ nhưng vẫn kết thúc phiên ở mức giảm 0,4% xuống 0,9197 CHF.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức yếu nhất trong 5 tuần vào đầu phiên giao dịch thứ Hai do dữ liệu từ Hàn Quốc làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng xuất khẩu của châu Á và các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu quan trọng về lạm phát của Mỹ.
Trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc trong 10 ngày đầu tháng 2 tăng 11,9% so với một năm trước đó, dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu trung bình mỗi ngày làm việc đã giảm 14,5% sau khi điều chỉnh cho các thời điểm khác nhau của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Là một trong những đối tác thương mại của Trung Quốc, dữ liệu xuất khẩu đáng thất vọng của Hàn Quốc đã làm nghiêm trọng thêm tình trạng suy giảm tổng thể trong các đơn đặt hàng xuất khẩu của châu Á", Kiyong Seong, chiến lược gia vĩ mô phụ trách khu vực châu Á của Societe Generale cho biết. "Mối lo ngại như vậy đã đè nặng lên đồng nhân dân tệ, cùng với các loại tiền tệ châu Á khác như đồng won của Hàn Quốc."
Đồng nhân dân tệ giao ngay kết thúc phiên giảm 135 pip xuống 6,8293 CNY/USD.
Chứng khoán Phố Wall đóng cửa tăng mạnh khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát - có khả năng gợi ý về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai của Fed.
10 trong số 11 chỉ số lĩnh vực thuộc S&P 500 tăng, dẫn đầu là công nghệ thông tin, tăng 1,77%, theo sau là mức tăng 1,46% của hàng tiêu dùng tiện ích. Chỉ số năng lượng giảm 0,6%.
Kết thúc phiên, S&P 500 tăng 1,15% lên 4.137,32 điểm, Nasdaq tăng 1,48% lên 11.891,79 điểm, trong khi Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1,11% lên 34.246,13 điểm.
Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng khoảng 8% và chỉ số này vẫn giảm khoảng 14% so với mức đóng cửa cao kỷ lục vào tháng 1 năm 2022.
Đồng bitcoin đi ngang trong phiên vừa qua, kết thúc ở mức 21.659 USD.
Giá Bitcoin ngày 13/2.Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng, với vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.854,79 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 0,6% xuống 1.863,50 USD.
Mọi con mắt trên thị trường vàng cũng đang đổ dồn vào dữ liệu CPI của Mỹ.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk