Thời gian gần đây, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ứng dụng ChatGPT đang gây sốt trên các trang mạng xã hội. Các trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã và đang "lấn sân" vào nhiều lĩnh vực và tài chính chứng khoán không phải là trường hợp ngoại lệ.
Tuy nhiên đây vẫn luôn là đề tài gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn. Mặc dù nhiều người cho rằng AI có thể trở thành trợ thủ đắc lực giúp các nhà đầu tư ra quyết định chính xác hơn, số khác lại lo ngại AI có thể thay thế con người ra quyết định giao dịch, khiến các nhà đầu tư bị phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ tại chương trình Bí mật đồng tiền số 58 trên VTV Money, ông Đặng Đình Hiệp - nhà đầu tư với hơn 20 năm bôn ba cùng thị trường chứng khoán chia sẻ phương pháp đầu tư rằng: “Tôi theo trường phái thực tế. Hàng ngày đều theo dõi, ghi chép mức độ biến động của giá cổ phiếu cộng thêm việc thu nạp thông tin từ báo đài, nền tảng số. Đặc biệt, tôi vào Website của các doanh nghiệp xem tình hình kinh doanh ra sao để có thể nắm được những thông tin cơ bản nhất về DN mình sắp đầu tư.”
Ông Hiệp cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu cần sự kiên nhẫn. Chính thời gian chờ đợi sẽ giúp nhà đầu tư tích luỹ các số liệu, dữ liệu cần thiết, điển hình như chia cổ tức vào lúc nào, thời gian chờ về tài khoản bao lâu,.. Nhà đầu tư nên quan tâm vào thực chất của doanh nghiệp chứ không nên quá phụ thuộc vào AI.
Đối với Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo CTCP Chứng khoán SSI, các phương pháp công nghệ tư AI, Machine Learning (máy học) đã được thử nghiệm nhiều năm qua tại nhiều bộ phận, trong đó có trung tâm phân tích SSI.
Chuyên gia Phạm Lưu Hưng cho biết đội ngũ SSI đưa ra các bài toán và chiến thuật cho máy để tối ưu hoá và đưa ra các câu trả lời. Những công cụ này khá hữu ích cho nhà đầu tư khi không có ý tưởng cụ thể trong đầu, máy có thể đưa ra một số lựa chọn để nghiên cứu. Dù đang trong quá trình chạy thử nghiệm, song ông Hưng đánh giá việc ứng dụng công nghệ AI trong đầu tư hoàn toàn khả thi.
BTV Hoàng Nam chia sẻ nhiều quỹ đầu tư lớn hay các tổ chức tài chính trên thế giới thường có ứng dụng công nghệ và để đầu tư. Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư năm vừa qua của nhiều quỹ lớn lại chưa được tốt lắm. “Tóm lại, chúng ta chọn phương pháp đầu tư phù hợp và gắn bó, dù là đầu tư truyền thống hay công nghệ cũng sẽ đem lại hiệu quả”, BTV Hoàng Nam nhận định.
Bàn luận về tình hình vĩ mô thế giới, ông Hưng đánh giá rằng không chỉ ở Mỹ, châu Âu hay châu Á mà cả Việt Nam, lạm phát cơ bản mới là vấn đề khó giải quyết. Cục trưởng Cục dự trữ Liên Bang Mỹ từng nói rằng con số lạm phát 2% là tiêu chuẩn thế giới, tuy nhiên lạm phát Mỹ không thể về 2% ngay trong năm 2024. Bởi xu hướng giảm rất thấp, do yếu tố này khá bền vững. Lạm phát cơ bản ở Việt Nam là 5,2% trong tháng 1 và việc đẩy lạm phát xuống các mức thấp hơn là rất khó. Lạm phát sẽ giảm một cách từ từ và không tránh khỏi việc quay đầu tăng trở lại, gây ra những mối lo ngại cho thị trường.